Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người Khanty - Mansi nơi rừng Taiga hùng vĩ

Thành Nam - 16:10, 27/09/2022

Nước Nga hiện nay có hơn 200 dân tộc khác nhau cùng sinh sống trên một lãnh thổ rộng lớn. Mỗi dân tộc mang một sắc màu văn hóa riêng với những phong tục, tập quán và tiếng nói khác nhau. Tuy nhiên, một số dân tộc ít người đang đứng trước nguy cơ mai một, trong đó phải kể đến hai tộc người Khanty và Mansi, sinh sống ở các khu vực thuộc tây Siberia.

Người Khanty và Mansi có mối quan hệ họ hàng gần gũi (ảnh ST)
Người Khanty và Mansi có mối quan hệ họ hàng gần gũi (ảnh ST)

Khu tự trị Khanty-Mansi là một chủ thể liên bang của Nga (một khu tự trị), có trung tâm hành chính là thành phố Khanty-Mansiysk, một phần của vùng Tyumen, nằm trong vùng liên bang Urals. Khu vực này là một khu vực tự trị tự cung tự cấp về kinh tế. Đây là vùng dầu khí chính của Nga và là một trong những khu vực sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Mặc dù trung tâm hành chính là thành phố Khanty-Mansiysk, nhưng thành phố lớn nhất lại là thành phố Surgut.

Khi nhắc tới các thành phố Kogalym, Khanty-Mansi hay Surgut thuộc Khu tự trị Khanty-Mansi, người Nga thường chỉ liên tưởng đến hai chữ “dầu mỏ”. Đây là khu vực tập trung trữ lượng “vàng đen” lên tới gần 12 tỷ tấn và được mệnh danh là “thủ đô dầu mỏ” của Nga. Nhưng không chỉ có vậy, khi đến với vùng đất này, khách du lịch còn bị chinh phục bởi cảnh quan thiên nhiên phương bắc hùng vĩ, với vô số sông, suối, ao, hồ cũng như sự đầy đủ, tiện nghi của những thành phố nơi đây. Thú vị hơn cả, du khách được tiếp xúc với những nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc Khanty và Mansi bản địa, hai trong số năm dân tộc thiểu số có nguy cơ biến mất trên bản đồ dân số của Nga.

Dân tộc Khanty chia thành ba nhóm nhỏ, gồm các nhóm phía nam, phía bắc và phía đông. Trong đó, người Khanty phía nam từ lâu đã hòa chung dòng máu của mình với người Nga và Tatar. Xa xưa, tổ tiên của họ di cư đến hạ nguồn sông Obi từ phía nam, sinh sống ở các vùng đất mà ngày nay thuộc hai Khu tự trị Yamalo-Nenets và Khanty-Mansi. Cuối thiên niên kỷ thứ nhất, các nhóm dân tộc Khanty bắt đầu được hình thành trên cơ sở hòa trộn giữa thổ dân địa phương với các bộ lạc vùng Khanty-Mansi.

Trang phục của phụ nữ Khanty (ảnh ST)
Trang phục của phụ nữ Khanty (ảnh ST)

Người Khanty sống trong rừng Taiga giữa những ngọn đồi thấp và đầm lầy dọc theo bờ và các nhánh của sông Ob'Irtysh, hệ thống sông lớn thứ ba trên thế giới. Theo truyền thống, họ không sống trong các ngôi làng mà định cư rải rác. Ngày nay, người Khanty ở tây bắc Siberia còn khoảng 31.000 người, nhưng ngày càng có xu hướng giảm đi. Trong số đó, có tới 90% đang cư trú ở các khu tự trị Yamalo-Nenets và Khanty-Mansi, số còn lại sống rải rác ở các tỉnh Tomsk, Novosibirsk và Tyumen. Nhiều người bản địa biết tiếng Nga nhưng họ lại thích nói tiếng dân tộc mình hơn trong giao tiếp hàng ngày.

Người Khanty thường sống theo hình thức bán du mục. Họ di chuyển quanh vùng cùng đàn tuần lộc của mình, thỉnh thoảng dừng chân ở “chum” (lều bằng da tuần lộc). Đôi khi họ ở lại những ngôi nhà gỗ, nơi họ luôn có lửa để sưởi ấm và rêu được nhồi giữa những súc gỗ để cách nhiệt. Trong các loài động vật thì việc chăn nuôi tuần lộc mang lại nhiều lợi ích, từ kéo xe đến lấy thịt, lấy lông.

Thực phẩm chính của người Khanty là thịt động vật, họ cũng đi săn, bắt cá, nhặt quả mọng. Trong chế độ ăn uống hàng ngày của họ, cá chiếm đến 70%, còn lại là các loại thịt động vật và quả mọng.

Tín ngưỡng truyền thống của người Khanty là Shaman giáo, một hình thức tôn giáo cổ xưa thông qua những người trung gian để giao tiếp với thần linh, sau này được bổ sung một vài nét mới sau khi Thiên chúa giáo du nhập tới đây và có một số ảnh hưởng nhất định.

Người Mansi có quan hệ họ hàng gần gũi với người Khanty. Các nhà khoa học cho rằng người Mansi có nguồn gốc từ việc kết hợp giữa những bộ lạc vùng Ugor đến từ các khu vực thảo nguyên bắc Kazakhstan và tây Siberia, với những bộ lạc bản địa mang văn hóa Ural.

Tuần lộc là vật nuôi quan trọng của người Khanty - Mansi (ảnh ST)
Tuần lộc là vật nuôi quan trọng của người Khanty - Mansi (ảnh ST)

Ngày nay, người Mansi chỉ còn khoảng 12.000 nhân khẩu, chủ yếu sinh sống ở khu tự trị Khanty-Mansi. Ngoài ra, còn có khoảng 200 người sống ở phía bắc tỉnh Sverdlovsk và một vài người ở đông bắc tỉnh Perm. Cho đến nay, văn hóa của dân tộc này vẫn bảo tồn được sự kết hợp giữa những nét văn hóa đặc trưng của những tộc người chăn nuôi du mục trên thảo nguyên và những người thợ săn, ngư dân rừng Taiga, đánh bắt cá và săn bắn. Những hình thức lao động chủ yếu của họ bao gồm chăn nuôi tuần lộc và gia súc, đánh bắt cá, săn bắn và trồng trọt. Nghề đánh bắt cá chủ yếu được duy trì ở lưu vực sông Obi và bắc Sosva. Họ không ăn các loại nấm vì cho rằng đó là thứ “không sạch sẽ”. Người Mansi vẫn tôn sùng đạo Shaman giáo, thờ cúng tổ tiên, sùng bái thần linh bảo hộ và thờ thần gấu. Nền văn hóa Mansi có thần thoại và văn học dân gian phát triển.

Sự suy giảm dân số nói chung, sự mai một các dân tộc thiểu số nói riêng ở các khu vực thuộc Siberia đang là một bài toán khó cần giải quyết đối với đất nước Nga trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đất khắc nghiệt nhưng giàu tài nguyên thiên nhiên này. Giải quyết được bài toán này sẽ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong nền văn hóa quốc gia đa sắc tộc của Liên bang Nga.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.