Trở về từ Lễ hội hoa ban tỉnh Điện Biên vừa được tổ chức vào tháng 3/2019, chị Mảy vui lắm. Vừa được giao lưu, gặp gỡ đồng bào các dân tộc trong tỉnh, vừa tham gia trưng bày và bán hàng trong Hội chợ tại lễ hội. Ba ngày tham gia lễ hội, chị Mảy bán được ba bộ váy áo và hàng trăm chiếc vòng tay, túi xách thổ cẩm. Tổng cộng được ngót 10 triệu đồng tiền hàng.
Số hàng thổ cẩm chị Mảy mang đến Lễ hội hoa ban đều là sản phẩm làm thủ công của các chị em trong Tổ hợp thêu truyền thống phụ nữ Mông xã Sính Phình mà chị là trưởng nhóm. Chị Mảy chia sẻ: “Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Tủa Chùa có từ rất lâu đời. Tôi biết đến nghề thêu thổ cẩm truyền thống từ khi 10 tuổi, đến năm 16 tuổi thì thành thạo các đường kim, mũi chỉ. Chúng tôi dệt thổ cẩm là cách để gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của tổ tiên để lại. Tôi thường tranh thủ lúc rảnh rỗi tìm tòi mẫu mới để áp dụng vào sản phẩm thổ cẩm cho phù hợp thị trường”.
Chị Mảy nhớ lại: Năm 2003, Trung tâm Nghiên cứu liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link tại Hà Nội đã lên Tủa Chùa khảo sát và hỗ trợ địa phương thành lập Tổ hợp thêu thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông tại thôn Tà Là Cáo, xã Sính Phình và cam kết bao tiêu sản phẩm cho Tổ hợp trong hai năm. Được giao làm nhóm trưởng, chị Mảy đã thuyết phục, vận động được 20 chị em trong xã Sính Phình tham gia Tổ hợp thêu. Những ngày đầu, Tổ hợp thêu chủ yếu làm quen với các họa tiết thêu đơn giản, sau đó mới tìm hiểu mẫu mã, nhận biết màu chỉ phù hợp với từng mẫu thiết kế. Với những đôi tay khéo léo và ngọn lửa đam mê, những sản phẩm váy áo, túi xách thổ cẩm mang “hồn cốt” của dân tộc Mông đã có chỗ đứng trên thị trường. Sau hai năm thành lập, Tổ hợp thêu bán ra thị trường gần 750 sản phẩm, thu được 20 triệu đồng. Sau đó 1 năm, đã có gần 4.500 sản phẩm được bán ra, thu được 66 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế mang lại trông thấy rõ rệt qua các năm nên ngày càng có nhiều chị em từ khắp các xã khác trong huyện, các huyện trong tỉnh và tỉnh bạn tới đăng ký tham gia. Hiện nhóm thêu có trên 100 thành viên.
Chị Thào Thị Xồng, ngụ bản Tào Pao-một trong hàng chục phụ nữ ở Sính Phình được chị Mảy truyền dạy nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống cho biết: “Ngày trước, chưa tham gia Tổ hợp thêu, ở nhà em đã được mẹ dạy về nghề thêu của dân tộc. Nhưng khi vào Tổ hợp thêu, em được cô Mảy hướng dẫn tỉ mỉ và chi tiết hơn. Cô còn phổ biến nhiều kiến thức về các nét hoa văn trên từng sản phẩm thổ cẩm. Nhờ đó, sau bốn năm tham gia Tổ hợp thêu, em đã có thể tự mình dệt thành thạo một bộ váy áo thổ cẩm. Với các sản phẩm cung cấp cho Tổ hợp thêu, mỗi tháng em cũng có thêm hơn 1 triệu đồng để phục vụ cuộc sống gia đình”.
Tổ hợp thêu giờ không chỉ là nơi làm việc của các chị em phụ nữ mà nó còn được ví như một “ngôi nhà chung” để chị em nương tựa vào nhau, chia sẻ kinh nghiệm và những khó khăn trong cuộc sống. Và hằng ngày, những lúc nông nhàn, người ta lại thấy chị Giàng Thị Mảy miệt mài bên khung thêu để truyền dạy “hồn cốt” thổ cẩm Mông cho chị em phụ nữ trong xã.
Bà Vi Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tủa Chùa cho biết: “Hoạt động của Tổ hợp thêu truyền thống phụ nữ Mông xã Sính Phình đã góp phần duy trì bảo tồn và phát triển nghề thêu dệt thổ cẩm của đồng bào Mông nói chung, giúp hội viên phụ nữ xã Sính Phình có thêm việc làm, thu nhập lúc nông nhàn. Trong những thành công đó có nỗ lực và đóng góp không nhỏ của chị Giàng Thị Mảy”.
Hoạt động của Tổ hợp thêu truyền thống phụ nữ Mông xã Sính Phình đã góp phần duy trì bảo tồn và phát triển nghề thêu dệt thổ cẩm của đồng bào Mông nói chung, giúp hội viên phụ nữ xã Sính Phình có thêm việc làm, thu nhập lúc nông nhàn.”Bà Vi Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tủa Chùa
MINH THU