Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người "giải cơn khát" cho thôn Chư P'Lôi

Phan Thanh Quyền - 15:09, 12/11/2021

Đến bản người Dao thuộc thôn Chư p’Lôi, xã EaBar, huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), chúng tôi ghé thăm gia đình anh Bàn Nguyên An, người cất công đi tìm và đưa nguồn nước sạch từ trên núi xuống để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân dưới chân núi Hòn Đen.

Anh Bàn Nguyên An sử dụng dòng nước tự chảy để tưới cây ăn trái (Ảnh Thanh Quyền)
Anh Bàn Nguyên An sử dụng dòng nước tự chảy để tưới cây ăn trái (Ảnh Thanh Quyền)

Lập nghiệp trên vùng đất mới

Sinh ra, lớn lên ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, năm 1992 anh Bàn Nguyên An cùng gia đình chuyển cư vào huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên lập nghiệp. Khi mới vào lập nghiệp ở vùng quê mới, anh An cùng một số hộ gia đình đi tìm và phát hiện vùng đất nằm sát chân núi, anh quyết định dựng lều trại, khai hoang sản xuất, chăn nuôi để ổn định cuộc sống.

Những ngày đầu đi mở đất vô cùng gian nan, thiếu thốn đủ bề: Không có đường giao thông, không có điện. Chợ, bưu điện, trạm xá, trường học ở xa, phương tiện đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ; hệ thống thông tin liên lạc không có. Cuộc sống chủ yếu tự cung tự cấp…

Với sự cần cù, chịu khó khắc phục khó khăn từ nội lực của bà con cộng với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, điện, nhà văn hóa…, triển khai thực hiện các chính sách, dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cuộc sống của người dân thôn Chư p’Lôi đã từng bước ổn định.

Tuy nhiên, một vấn đề nan giải với bà con ở bản mới là thiếu nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt là vào mùa khô, tình trạng thiếu nước càng trầm trọng. Không có nước, bà con không khai thác được tiềm năng thế mạnh đất đai hiện có, sản xuất sẽ không phát triển, cuộc sống sinh hoạt cũng gặp nhiều khó khăn.

Đi tìm nguồn nước

Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, anh Bàn Nguyên An quyết định đi tìm nguồn nước. Vượt qua bao núi cao, suối sâu, sự khắc nghiệt của thời tiết, anh đã phát hiện được nguồn nước sạch trên núi. Nhưng làm thế nào để đưa được nước về thôn phục vụ cho bà con lại là một bài toán khó hơn. Quãng đường 4 km đường núi là cả một hành trình gian nan, chỉ có huy động được sức dân thì mới có thể làm được. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định trao đổi, đề xuất ý kiến với những đảng viên trong xóm rồi tổ chức họp dân, trình bày kế hoạch, phương án để đưa nguồn nước về bản.

Người dân thôn Chư p’Lôi lắp ống dẫn nước về làng (Ảnh Tư liệu năm 2018)
Người dân thôn Chư p’Lôi lắp ống dẫn nước về làng (Ảnh Tư liệu năm 2018)

Khi nghe kế hoạch và phương án anh An đề ra, nhiều hộ gia đình ban đầu vẫn chưa thống nhất bởi nhiều lý do, trong đó khó khăn nhất là nguồn kinh phí đóng góp xây dựng khá lớn. Với phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, bằng sự tâm huyết, trao đổi, phân tích với bà con về cái lợi lâu dài khi đưa được nước về thôn, cuối cùng anh An đã nhận được sự đồng thuận của tất cả bà con trong thôn.

Anh An kể lại, để đưa nước về làng, người dân đã nhiều lần bàn bạc và thống nhất mức đóng góp kinh phí. Riêng những hộ khó khăn thì đóng góp bằng ngày công lao động. Tổng kinh phí huy động được để thực hiện công trình đưa nước sạch về thôn lên tới gần 300 triệu đồng.

Từ lúc bắt tay vào khởi công xây dựng cho đến khi hoàn thành công trình thời gian gần một tháng, toàn bộ công trình là do nhân dân tự đóng góp kinh phí, công sức và tự làm. Với trên 600 ngày công lao động để lắp đặt hệ thống ống và kéo nguồn nước đến từng hộ gia đình, cuối cùng, bà con người Dao đã có trái ngọt. Đúng vào ngày 2/9/2018, cả thôn người Dao vỡ òa trong niềm vui dòng nước chảy đến với từng hộ gia đình. Từ đây bà con  đã chủ động được nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, nguồn nước tưới cây, rất thuận lợi trong việc sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các công trình phúc lợi dân sinh...

Trẻ em làng Dao vui mừng khi nước được dẫn về đến từng hộ gia đình
Trẻ em làng Dao vui mừng khi nước được dẫn về đến từng hộ gia đình (Ảnh TL)

Đến hôm nay, cuộc sống của 47 hộ gia đình với trên 200 khẩu người Dao thôn Chư p’Lôi đã ổn định, phát triển, con em có điều kiện đến trường học tập. Chia tay anh Bàn Nguyên An, chia tay bà con người Dao thôn Chư P’Lôi xã EaBar, trên đường về tôi cứ miên man suy nghĩ và tâm đắc lời anh nói “tin Đảng, hiểu dân, việc khó mấy cũng thành công”.

Anh Bàn Nguyên An được huyện Sông Hinh lựa chọn là gương điển đình, tiêu biểu tham dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức vào ngày 27/4/2021 vừa qua.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.