Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Người “đứng mũi” ở Cò Phạt

PV - 11:18, 13/06/2018

“Cái gì có lợi cho dân thì dù khó mấy cũng cố gắng để làm, điều gì không có lợi thì tuyệt đối không nghe và làm theo. Thấy dân bản vui thì “cái bụng” mình cũng ấm lắm”, ông La Văn Linh ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An thường nói như vậy. 27 năm làm cán bộ ở Cò Phạt, sự cống hiến của ông đang từng ngày làm cho cuộc sống người Đan Lai nơi đây đổi thay.

Ngày tôi gặp ông La Văn Linh khi ông còn là Trưởng bản Cò Phạt, giờ gặp lại ông đã làm Bí thư Chi bộ của bản gần hai nhiệm kỳ. Thời gian trôi qua, con người ông vẫn vậy, ở cái tuổi 56, vùng thâm cốc này ít người có được sức khỏe và độ nhanh nhạy như ông.

Để vào được bản Cò Phạt người dân phải dùng bè nứa di chuyển. Để vào được bản Cò Phạt người dân phải dùng bè nứa di chuyển.

Ông tâm sự rằng, sinh ra giữa đại ngàn Pù Mát, như nhiều người Đan Lai khác, lớn lên nhờ hạt ngô mẹ tra trên rẫy, cây rau, cây măng cha hái lượm trong rừng... Nhưng thật may là ông có một gia đình “tân tiến” nhất bản Cò Phạt. Cha ông đã không để cho ông phải nghỉ học để đi nương làm rẫy mà lặn lội để ông theo đuổi con chữ. Vậy nên, sau khi hoàn thành chương trình lớp 3 cùng các giáo viên cắm bản ông rời Cò Phạt ra trường huyện học để nuôi tiếp ước mơ.

Ông nhớ lại: Ngày đầu tiên ra trung tâm xã để đuổi theo con chữ, ngồi trên bè nứa do bố chống để vượt thác ghềnh khe Khặng. Hành trang cậu học trò mang theo ngoài 1 cuốn vở, 1 cây bút còn có vài cân ngô đã tẽ hạt, dăm củ sắn. Hai bố con đã phải chèo chống mất một ngày rưỡi mới ra đến trường học ở trung tâm xã Môn Sơn. Cái sự học của cậu bé nghèo bắt đầu như thế.

Năm 20 tuổi, được sự động viên của chính quyền và Bộ đội Biên phòng, La Văn Linh tham gia hoạt động xã hội ở bản Cò Phạt với vai trò Thôn đội trưởng và cán sự phụ trách an ninh vùng lõi Pù Mát. Ông cũng được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi Cò Phạt thành lập chi bộ Đảng. Bằng sự mẫn cán của mình, ông còn được bà con bầu giữ vai trò Trưởng bản Cò Phạt liên tiếp hai khóa.

Với sự dẫn dắt của ông Cò Phạt bắt đầu thay đổi, người dân Đan Lai không còn vào rừng săn thú, đốn cây. Phá rừng làm nương. Phụ nữ Đan Lai khi sinh đẻ cũng không phải một mình ra khe tự vượt cạn và cắt dây rốn cho con. Người dân khi ốm đau được đưa đến trạm xá của Bộ đội Biên phòng đóng ngay trên bản Cò Phạt. Bản cũng được quy hoạch, cải tạo hơn 2ha đất để trồng lúa nước và bà con được hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Rồi các công trình nước tự chảy, đường sá nội bản cũng được người dân tham xây dựng tích cực. Đây là điều chưa bao giờ người Đan Lai nghĩ và làm từ trước đó.

Năm 2006, Đề án Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc thiểu số Đan Lai, huyện Con Cuông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Đề án phải di chuyển 146 hộ dân Đan Lai ra vùng tái định cư xã Thạch Ngàn (Con Cuông) cách đó 70km. Trưởng bản La Văn Linh và những cán sự thôn Cò Phạt lại thêm một phen vất vả. Đảng viên và gia đình phải gương mẫu, tiên phong vận động người trong gia đình mình trước. “Nghe lời khuyên bảo, động viên, em trai mình, anh trai của mình tự nguyện đưa gia đình chuyển đi trước. Tiếp đến, là con cháu trong dòng họ... cũng lần lượt đưa gia đình nhỏ của mình rời Cò Phạt ra bản định cư Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn. Kết quả đến nay đã có 54 hộ dân ra sinh sống trên vùng tái định cư”, ông Linh chia sẻ.

Để đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, với vai trò là trưởng bản, là Người có uy tín ông đã nỗ lực để tuyên truyền, giải thích cho bà con về hệ lụy của tệ nạn này. Đến nay đã có 15 thanh niên trai, gái Đan Lai kết hôn với cộng đồng dân cư người dân tộc Thái. Đây là tín hiệu vui về đẩy lùi hôn nhân cận huyết của người Đan Lai.

Năm 2013, ông La Văn Linh được bầu làm Bí thư Chi bộ Cò Phạt. Ông bảo, cương vị mới, trách nhiệm càng nặng nề và nhiều việc phải làm hơn. Thời gian đầu, Chi bộ chỉ có 4 đảng viên, nay đã tăng lên 8 đảng viên, sắp tới sẽ kết nạp thêm 4 đảng viên mới nữa. Chi bộ Cò Phạt luôn sinh hoạt đều đặn và hiệu quả. Các cuộc sinh hoạt Chi bộ chủ yếu tập trung vào nội dung làm thế nào tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để bà con hiểu. Theo ông Linh thì, để mọi việc thành công phải lấy đảng viên làm nòng cốt tiên phong trong các lĩnh vực. Nếu không có vai trò của đảng viên, nhất là đảng viên trẻ Cò Phạt sẽ chẳng thay đổi được gì.

Điều hạnh phúc nhất của ông đó là được dân bản tin tưởng vì thế nhiều hộ gia đình đã nghe và làm theo lời ông; đó là cho con đi xuất khẩu lao động hay học nghề, làm công nhân… Vì thế hiện nay, trong bản Cò Phạt có 10 người tham gia xuất khẩu lao động và hàng chục thanh niên đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Nhờ vậy, người Đan Lai bắt đầu bỏ được thói quen thụ động, phó mặc số phận cho ông trời. Nhiều hộ đã thoát nghèo, nhiều mô hình kinh tế VAC, VAR bắt đầu xuất hiện.

Nói về ông La Văn Linh, ông Lương Viết Tùng, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn khẳng định, ông Linh chính là người cầm lái, đứng mũi cho con thuyền của cộng đồng người Đan Lai trên thượng nguồn khe Khặng. Nếu không có những người như ông Linh thì chính quyền địa phương chẳng thể thay đổi được cuộc sống của cộng đồng Đan Lai.

MINH THỨ