Khi nghe chúng tôi nhắc chuyện muốn được tìm hiểu về nhạc cụ đàn bróh truyền thống của người Cadong, già Giỏi cho biết: Bróh là một loại nhạc cụ hơi, được làm từ ống nứa lấy trên nương, đồi và trong các khu rừng nơi có đồng bào Cadong sinh sống. Để làm một cây đàn bróh, thì mất rất nhiều công và cần tỉ mỉ trong từng chi tiết chế tác. Đầu tiên, lên rừng lấy ống nứa thì phải đi vào những ngày cuối tháng, thời điểm lúc cuối mùa thu dần chuyển sang đông, chọn những cây nứa thẳng đẹp, thân tròn đều… Như vậy để sau này, đàn bróh không bị mọt, cho âm thanh ngân vang. Đàn bróh có thân là một ống nứa dài 1.2m, trên thân có gắn 2 chốt gỗ xuyên qua thân để khi lên dây đàn và được gắn 2 dây bằng dây rừng se lại. Hộp đàn là một nửa quả bầu khô và được gắn cẩn thận vào thân đàn. Người Cadong sử dụng nhạc cụ này để trải lòng với thiên nhiên. Tuy bróh có cấu tạo đơn giản, nhưng không dễ sử dụng. Nếu không có cái tâm trạng của lòng người, thì tiếng đàn bróh trở nên lạc lõng, cô độc.
Giữa đất trời Trà Bui, màn đêm cũng dần buông xuống nơi rừng sâu và tiếng kêu của côn trùng đã bắt đầu rộn rã. Già Giỏi lôi từ góc nhà chiếc đàn bróh đã sẫm màu. Già Giỏi đặt những ngón tay thô ráp lên dây đàn, so cung cùng lúc già Giỏi cất lên làn điệu Cadong mượt mà: “Màu nắng cuối ngày như đỏ quạch, tiếng rừng rầm rì, đen thẫm. Đêm phố núi Trà Bui nơi rừng sâu như cô quạnh hơn”... Âm vực sâu lắng của tiếng bróh bắt đầu, Âm thanh của tiếng đàn bróh khi trầm, khi bỗng đều đều vang xa, lang toả vào từng nhà vào từng ngỏ ngách làng bản, trên triền núi cao nơi định cư lâu đời của người Cadong tạo nên một không gian văn hóa huyền ảo...
Hằng ngày, ngoài thời gian ở rẫy già Hồ Văn Giỏi thường quây quần bên bếp lửa nhà của mình cùng nhau đàn hát và chơi các loại nhạc cụ truyền thống của người Cadong cho các con cháu ông nghe. Dù đã qua hơn 70 mùa rẫy, nhưng già Giỏi vẫn đau đáu một nổi niềm là làm thế nào để tiếng đàn bróh của đồng bào Cadong luôn được ngân nga trong gió núi mây ngàn Trường Sơn...Theo già Giỏi, lớp trẻ Cadong bây giờ không còn nhiều người biết chế tác và chơi bróh hay nữa nên ông luôn trăn trở làm sao để nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Cadong không bị mai một và già đang nỗ lực tìm cách gìn giữ và truyền dạy cho con cháu. Và loại nhạc cụ đàn bróh mà già Giỏi đang giữ là nhằm để thỏa mãn thú đam mê và quan trọng hơn là mong muốn được góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Bà Trịnh Thị Hồng Nga, Trưởng phòng Văn hoá, Thông tin huyện Bắc Trà My(Quảng Nam) cho biết: Không chỉ biết chế tác nhạc cụ, già Hồ Văn Giỏi còn chơi thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc Cadong, và hát nhiều làn điệu dân ca của người Cadong rất hay. Ở Trà Bui này, tên tuổi của già Giỏi đã nổi tiếng khắp vùng. Nhiều lần già Giỏi được mời đi tham gia các lễ hội văn hóa dân tộc do tỉnh tổ chức. Mọi hoạt động, phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương già Giỏi đều tham gia nhiệt tình. Những đóng góp của già Giỏi trong việc bảo tồn nhạc cụ dân tộc là rất đáng trân trọng.
NGUYỄN VĂN SƠN