Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người dân vùng lõi các Khu bảo tồn thiên nhiên ở Thanh Hóa: Chưa tìm ra hướng thoát nghèo hiệu quả

Quỳnh Chi - 15:31, 17/06/2021

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 3 khu bảo tồn thiên nhiên: Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên, với gần 12.000 hộ dân sinh sống ở 105 thôn, bản trong vùng lõi, vùng đệm. Những năm qua, dù được hỗ trợ nhiều từ các chính sách, song đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn.

Diện tích trồng lúa quanh khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông không đủ nuôi sống người dân khiến họ túng thiếu quanh năm
Diện tích trồng lúa quanh khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông không đủ nuôi sống người dân khiến họ túng thiếu quanh năm

Tỷ lệ hộ nghèo cao

Theo báo cáo của các Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, hiện nay có 105 thôn, bản, thuộc 23 xã với gần 12.000 hộ dân của 4 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Thường Xuân nằm trong vùng lõi, vùng đệm của các khu bảo tồn. Những năm qua, dù được sự quan tâm của Nhà nước, nhưng đời sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao.

Đơn cử như ở xã Lũng Cao (huyện Bá Thước), thôn Cao Hoong nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Tại đây người dân không được bố trí đất rừng sản xuất, trong khi đó, đất trồng lúa chỉ có 6,3 ha. Diện tích ít ỏi này không đủ nuôi sống người dân khiến họ túng thiếu quanh năm. Những người nông dân thiếu tư liệu sản xuất, không có việc làm, do đó tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của thôn Cao Hoong là 87,77%; trong đó hộ nghèo chiếm 23%.

“Chúng tôi đã sống ở đây bao đời nay rồi, từ trước khi Khu bảo tồn Pù Luông được thành lập. Giờ đây, dù có muốn ra khỏi nơi này cũng không biết đi đâu. Cứ bước chân ra khỏi nhà là đến đất của khu bảo tồn, không có đất sản xuất nên đời sống của bà con rất bấp bênh”, bà Hà Thị Tự, Bí thư chi bộ thôn Cao Hoong nói.

Theo ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao cho biết, trong diện tích đất rừng đặc dụng của khu bảo tồn, có cả diện tích đất rừng sản xuất của 218 hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Thế nhưng, người dân không được sử dụng đất, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế.

Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: hiện Bá Thước có 39 thôn nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, trong đó có 8 thôn nằm trong vùng lõi. Huyện đã nhiều lần có ý kiến, tha thiết mong các sở ngành có phương án hỗ trợ người dân để ổn định cuộc sống.

Do thiếu sinh kế, một số người dân thiếu hiểu biết đã vi phạm xâm lấn vào rừng cấm. Theo báo của Chi cục Kiểm lâm từ năm 2020 đến tháng 4/2021, trên địa bàn 3 khu bảo tồn thiên nhiên (Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên), đã xảy ra 16 vụ vi phạm về bảo vệ rừng, trong đó có 2 vụ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Người dân vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên được hỗ trợ các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi
Người dân vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên được hỗ trợ các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi

Chưa có hướng thoát nghèo hiệu quả

Trên thực tế, để tìm lối thoát nghèo cho người dân, những năm qua, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Như, tại xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, năm 2019, có 60 hộ dân tại các thôn: Chiềng, Phống được Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên lựa chọn thực hiện mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh. Các hộ dân được hỗ trợ con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn phòng dịch. Bước đầu, mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.

Ông Lang Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Bát Mọt, cho biết: Mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh đã góp phần nâng cao thu nhập cho 60 hộ dân trong xã. Hiện 1kg vịt có giá dao động từ 90.000 - 100.000 đồng, thị trường ổn định. 

Ngoài mô hình nuôi vịt, nhiều thôn còn được hỗ trợ kinh phí 40 triệu đồng/thôn. Số tiền này cùng với sự đóng góp kinh phí, ngày công lao động của người dân được dùng xây dựng tuyến đường nội thôn, nhà văn hóa, công trình nước sạch của thôn.

Theo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, từ năm 2015 - 2020, có 12 thôn, thuộc 5 xã của huyện Thường Xuân nằm trong vùng đệm của khu bảo tồn được hỗ trợ 1,7 tỷ đồng để xây dựng các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Dù vậy, với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/năm, vẫn là quá ít so với nhu cầu phát triển ở các địa phương vùng sâu vùng xa.

Tương tự, tại huyện Quan Hóa, Mường Lát có 54 thôn, bản với gần1000 hộ dân ở vùng lõi thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu cho biết, hiện cuộc sống của người dân nơi đây đang còn gặp rất nhiều khó khăn, với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, bản theo Quyết định 24 giai đoạn 2015-2020 quá thấp, khiến việc xây dựng các công trình ở các bản vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn do cước phí vận chuyển nguyên vật liệu quá cao. 

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cũng đang theo kiểu cào bằng. Ví như có những thôn 20 hộ dân; có thôn gần 300 hộ dân nên  việc cung cấp cây, con giống khó phân bổ, rất cần các cơ quan cấp trên quan tâm điều chỉnh trong giai đoạn tới .

Với những hạn chế trên, đời sống của người dân tại các khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, rất cần chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm, điều chỉnh chính sách hỗ trợ phù hợp để tạo sinh kế bền vững cho người dân.


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.