Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người dân ven sông Nhùng đối mặt với nguy cơ sạt lở

PV - 15:46, 06/08/2018

Cứ mỗi đợt mưa lũ về, hai bên bờ sông Nhùng đoạn chảy qua xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) lại thêm một lần sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân sống ven sông. Mặc dù chính quyền đã triển khai một số giải pháp, tuy nhiên các giải pháp chỉ mang tính tạm thời...

sông Nhùng Bờ sông Nhùng sạt lở đã ăn sâu vào đường bê tông liên thôn.

Sạt lở đã ăn sâu vào nhà dân

Ông Lê Quang Tường ở thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng lo lắng: Năm 2018, mặc dù chỉ mới có vài đợt mưa lũ nhỏ, nhưng hai bên bờ sông Nhùng-đoạn chảy qua thôn đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, làm cho người dân luôn sống trong lo sợ mất nhà, mất đất sản xuất. Với thời tiết đang có xu hướng mưa nhiều, không chỉ có nguy cơ mất đất hay mất nhà ở mà con đường bê tông liên thôn dọc bờ sông cũng có nguy cơ bị xóa sổ.

Hiện nay, con đường đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở lớn ăn sâu vào thân đường. Nếu không có biện pháp chế ngự sóng thì không lâu nữa con đường này sẽ còn gây khó khăn trong việc đi lại của người dân…

Sự lo lắng của người dân là có cơ sở, chỉ trong đợt lũ lụt do ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa qua, mưa to, nước sông lên cao chảy xiết xói lở đã cuốn theo nhiều diện tích canh tác của bà con.

Theo quan sát hiện nay, tại thôn Thượng Xá, nhiều diện tích đất trồng cây hoa màu của người dân đã bị dòng nước cuốn trôi. Nhà cửa, chuồng trại của bà con cũng đang bị đe dọa, có nơi sông đã ăn sâu vào trong đất liền, chỉ cách nhà ở của các hộ dân hơn 5m…

Ông Lê Quang Phong, Trưởng thôn Thượng Xá cho biết: Hiện tượng sạt lở nghiêm trọng bờ sông Nhùng diễn ra trong vài năm nay với cường độ ngày càng dày hơn. Đặc biệt, trong đợt ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa qua, mưa to, nước thượng nguồn đổ về chảy xiết nên tình trạng sạt lở lại tiếp diễn.

Theo ông Phong, cuộc sống của 50 hộ dân của thôn nằm cạnh bờ sông Nhùng luôn bị đe dọa. Nhà cửa nhiều hộ dân đã xuất hiện các vết nứt nẻ rất nguy hiểm, con đường dân sinh ven sông duy nhất để bà con lưu thông đi lại làm ăn, cũng xuất hiện nhiều điểm sụt lún, vào mùa mưa lũ, mỗi khi đi qua bà con luôn thấp thỏm lo sợ. Nhiều gia đình lo lắng muốn chuyển đi chỗ khác, nhưng vì không có đất và không có nguồn kinh phí để làm nhà nên đành bám trụ.

Vẫn là bài toán kinh phí

Ông Trần Văn Nhân, Phó Chủ tịch HĐND xã Hải Thượng cho biết: Hiện nay, dọc bờ sông Nhùng đoạn chảy qua địa bàn xã có khoảng 10 điểm sạt lở. Riêng đoạn chảy qua thôn Thượng Xá có 5 điểm, với chiều dài 250m. Đường bê tông của thôn có chỗ nước đã ăn sâu vào 0,5m. Ngoài ra, nhiều diện tích đất và cây trồng bị xâm thực, nhiều hộ dân bị rạn nứt tường và vỡ móng nhà…; Trước thực trạng này, xã đã huy động bà con chặt tre làm cọc, dùng bao cát làm bờ chắn nhằm hạn chế sóng đánh vào gây sạt lở và sự xâm thực của dòng sông. Tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế, còn về lâu dài, cần sự đầu tư xây kè chắn sóng mới đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân. “Xã đã nhiều lần báo cáo và kiến nghị lên huyện nhưng đến nay, huyện vẫn chưa có phương án để xử lý”, ông Nhân cho hay.

Trao đổi về giải pháp của huyện về thực trạng trên, ông Nguyễn Giáp, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết: Hải Lăng là huyện có nhiều con sông chảy qua, với hàng chục km đê sông. Thời gian qua, nhiều tuyến đê sông đã xuống cấp. Sông có độ dốc cao cùng với lưu lượng nước về trong mùa mưa qua lớn nên nhiều tuyến đê bị đe dọa. Tình trạng sạt lở đã diễn ra nhiều nơi, huyện đã chỉ đạo địa phương, các ngành khắc phục trong phạm vi có thể.

Riêng bờ sông Nhùng, do nguồn kinh phí chưa có nên chưa thể kè hoặc cứng hóa bờ sông được. Trước mắt, cũng chỉ khuyến cáo người dân luôn cảnh giác tăng cường gia cố bờ sông bằng cọc tre và bao cát…; chỉ đạo địa phương tìm vị trí để di dời những hộ dân nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.

Hiện nay, huyện cũng đang kiến nghị lên tỉnh xin cấp nguồn kinh phí phòng chống lụt bão để kè và cứng hóa những đoạn bờ sông, bờ đê xung yếu, nhằm đảm bảo cuộc sống an toàn để nhân dân yên tâm sản xuất.

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.