Hành trình đầy hy vọng
Trên cung đường đẹp nhất Tây Nguyên - Đường Hồ Chí Minh, dòng người từ các tỉnh Tây Nguyên xuôi về phía Nam lại đang đông như trẩy hội. Họ rời quê mang theo hy vọng về công việc, cuộc sống tốt hơn.
Tại chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cầu 14, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông hàng chục người xếp hàng chờ làm thủ tục. Sáng sớm anh Y’Vôn Niê ở Buôn TLan, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk (Đắk Lắk) đã chạy xe máy đến chốt chờ làm thủ tục. Anh Y’Vôn chia sẻ, khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, anh rời Bình Dương về quê tránh dịch. Đầu tháng 10, công ty cũ đã liên hệ với anh bảo xuống làm việc sẽ trả mức lương ổn định hơn, nên anh quyết định lên đường trở lại Bình Dương làm việc sớm hơn dự kiến.
"Phía công ty không chỉ hứa hẹn mức lượng ổn định, mà trong khoảng 3 - 5 ngày, chúng tôi sẽ được tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19. Vừa có việc làm, vừa được tiêm vắc xin nên tôi không ngần ngại khăn gói lên đường", anh Y’Vôn cho biết thêm.
Khăn gói lên đường xuống TP. Hồ Chí Minh làm việc lần này, chị H’Trang Ê Ban ở Bon U 3, thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút (Đắk Nông) cùng chồng và đứa con hơn 3 tuổi mang theo nhiều niềm hy vọng có công việc ổn định hơn. Chị H’Trang cho biết gần 4 tháng về tránh dịch, gia đình gặp nhiều khó khăn do không có việc làm. Sau 1 tuần được tiêm 1 mũi vắc xin, gia đình chị quyết định trở lại Bình Dương làm việc.
“Gia đình không có đất sản xuất, lại chẳng có việc làm, nên mình quyết định đi làm lại để có tiền tiêu Tết. Công ty cam kết sẽ tiêm đầy đủ vắc xin khi tới làm việc và hứa hẹn mức lương khá ổn. Vừa có tiền lại được tiêm vắc xin thì mừng lắm, vợ chồng mình quyết định rời quê”, chị H’ Trang nói.
Sau hơn 2 tháng trở về nhà tránh dịch ở huyện Chư Pưh (Gia Lai), anh Ksor Pec cùng 2 người bạn quay trở lại tỉnh Bình Dương để làm việc. Trong thời điểm tránh dịch, anh Ksor Pec đã được tiêm 1 mũi vắc xin ngừa Covid-19 và trước khi lên đường anh đã làm xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19, thuận lợi qua các chốt kiểm dịch của hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông.
Anh Ksor Pec cho biết: Khi quay trở lại làm việc, tôi rất vui mừng vì công ty đã cam kết nâng lương lên mức hơn 8 triệu đồng, nên tôi sẵn sàng đi làm và được sắp xếp 3 tại chỗ, bảo đảm an toàn trong mùa dịch.
Tạo điều kiện để công dân thông hành
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, thiếu tá Dương Minh Phúc, Trưởng ca trực tại Chốt kiểm soát dịch bệnh tại cầu 14 vào tỉnh Đắk Nông cho biết: Hơn 1 tuần nay, mỗi ngày có hàng trăm lượt người cùng xe máy, chở theo hành lý, đồ đạc cá nhân đi qua tỉnh Đắk Nông.
Theo số liệu thống kê, cao điểm nhất vào ngày 24/10, đã có 928 lượt xe cộ các loại với 2.231 lượt người đi qua chốt; trong đó, có gần 200 người có giấy thông hành đến các tỉnh phía Nam làm việc. Mỗi ca trực, đơn vị đều bố trí người kiểm soát chặt chẽ và có hướng dẫn, để công dân đi qua một cách an toàn.
Ông Phan Nhật Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cho biết: Chốt kiểm soát dịch Cai Chanh là nơi tiếp giáp tỉnh Bình Phước, những ngày gần đây xuất hiện rất đông người dân của tỉnh chạy xe máy để vào Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… Tại khu vực chốt kiểm soát dịch Cai Chanh, người dân đi qua để về các tỉnh phía Nam bình thường. Trên quan điểm thông thoáng, người dân khi có đủ điều kiện, giấy tờ thì sẽ được tạo điều kiện để đi qua. Người dân đi lại đều có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, đã cách ly y tế đủ thời gian quy định, được chính quyền địa phương xác nhận.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Nông có khoảng 25.000 người lao động tại các tỉnh phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải về quê sinh sống. Hiện nhiều lao động muốn tìm kiếm việc làm tại địa phương, một số khác quyết định quay trở lại nơi làm việc cũ sau khi dịch được kiểm soát. UBND tỉnh Đắk Nông đang nhanh chóng rà soát, nắm thông tin, nhu cầu người lao động để có phương án hỗ trợ.