Người dân "giàu" hơn cả doanh nghiệp
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2021, số dư tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt mức 5,29 triệu tỷ đồng tăng 2,92% so với cuối năm 2020.
Trong khi đó, số tiền gửi ngân hàng của các tổ chức kinh tế dù đạt tăng đến 7,8%, nhưng tổng số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế đến cuối tháng 9/2021 chỉ đạt 5,258 triệu tỉ đồng.
Như vậy, nếu xét về con số tuyệt đối, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại các ngân hàng vẫn nhiều hơn tổng số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế.
Ngày càng kém “mặn mà” với gửi tiết kiệm
Ngoài ra, việc số dư tiền gửi tiết kiệm của dân cư tại các tổ chức tín dụng chỉ đạt mức tăng 2,92% so với cuối năm 2020 cũng cho thấy người dân ngày càng trở nên kém “mặn mà” với việc gửi tiết kiệm.
Mức tăng 2,92% là mức tăng rất thấp nếu so với tăng trưởng số dư tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng trong gần 10 năm qua.
Tiền gửi tiết kiệm của dân cư đã giảm 2 tháng liên tiếp tháng 8, tháng 9. Tiền gửi của người dân trong tháng 9 sụt giảm tới gần 1.500 tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 8, tiền gửi của người dân cũng đã giảm gần 1.000 tỷ đồng.
Việc lãi suất huy động giảm mạnh trong thời gian qua, bên cạnh đó là các kênh đầu tư chứng khoán, vàng, bất động sản… được xem là những lý do cho sự suy giảm này. Như theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán 9 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 292.100 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng do ảnh hưởng từ COVID-19 cũng được xem là lý do khiến tiền gửi tiết kiệm của dân cư giảm trong tháng 8 và 9.