Xóm nghèo
Đường vào xóm Nung dài gần 10 km, tính từ trung tâm xã Nghĩa Đức, lởm chởm toàn đá là đá. Một cán bộ xã Nghĩa Đức nói với tôi, trời đổ mưa, xóm Nung bị cô lập hoàn toàn. Cũng vì con đường đó, mà nhiều cháu chán nản, bỏ học giữa chừng.
Nhà Sơn ở ngày đầu xóm. Một căn nhà xây kiên cố, nằm dưới gốc cây cổ thụ đến mấy người ôm, rất đẹp. Tội nghiệp con gái Sơn, tối qua, cháu đi tập văn nghệ chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, cũng vì con đường lởm chởm kia mà vấp ngã, gãy tay.
Sơn kể, bố mẹ cậu rất nghèo. Mà ở cái xóm này, có nhà ai lại không nghèo cơ chứ. Học xong lớp 9, em phải nghỉ để đi làm, đỡ đần gia đình. Cũng xuôi ngược khắp nơi, ai thuê gì làm nấy. Rồi Sơn nghĩ, dù heo hút nhưng xóm Nung quê mình lại có lợi thế về thời tiết, đất đai. Cậu quyết định về quê, thuê đất để trồng cây keo, cây sắn và chăn nuôi. Ngày nông nhàn, thì theo người ta đi làm thợ hồ, dẫu không giàu nhưng cũng không thể cứ đeo đẳng mãi cái nghèo.
Sơn ít nói, nhưng đã nói là làm, lại hăng say trong các phong trào của xóm. Bà con tin tưởng, giao phó cho Sơn chức xóm trưởng. Rồi đến ngày bầu chọn Người có uy tín, 100% dân làng lại chọn Sơn để gửi gắm.
“Ngại quá anh ơi, hồi đó em mới 26 tuổi, thế mà đã được thành Người có uy tín, trưởng xóm, cứ sợ mình không kham nổi” - Sơn gãi đầu và nói. Đoạn cậu mỉm cười, nhỏ nhẹ: May là bà con rất quý, họ động viên, trẻ có cái hay của trẻ nên em đã mạnh dạn đồng ý. Làm rồi mới biết, cứ hết lòng vì bà con, việc gì hay, có lợi, mình đem nói với họ thế là họ tin. Mà khi dân đã tin thì phong trào nào cũng tốt hết. Xóm Nung, trước đây 100% hộ nghèo, bây giờ đã giảm được nhiều rồi, do bà con đã biết cách và dám đầu tư vào sản xuất. Ngày trước, số học sinh học hết lớp 9 là rất hiếm, nay nhiều em đã học hết cấp 3, nhiều gia đình đã cho con cái đi học chuyên nghiệp, học nghề…
Có đường là thoát nghèo
Biết tôi muốn hỏi về một quãng tường rào bị đổ như vừa qua một trận bão lớn, Sơn giải thích: Vợ chồng em tự tháo dỡ tường rào nhà mình để hiến đất làm đường. Muốn dân hiến đất, thì mình phải hiến trước. Em vừa trưởng xóm, vừa là Người có uy tín, không gương mẫu thì làm sao bà con nghe theo.
Con đường vào xóm Nung là trở ngại rất lớn, anh ạ. Mùa này còn đỡ, mùa mưa đến, cả xóm Nung như một ốc đảo, nội bất xuất ngoại bất nhập. Vì thế mà năm nay em bàn với bà con, bằng giá nào cũng phải ưu tiên làm đường vào xóm. Những 10km, tốn công tốn của lắm anh ơi. Rất may là cấp trên cũng có đầu tư, không thì với 75 hộ dân còn nghèo thế này thì không thể làm được.
Sơn chỉ tay về bốn hướng, buồn bã nói với tôi: Do không có đường nên nhiều sản phẩm của bà con không thể tiêu thụ được, và nếu có bán được thì cũng bị ép giá đến mức không ăn thua gì nữa. Như nhà anh Trung ở cuối xóm, đầu tư chuồng trại chăn nuôi lợn cũng tốn kha khá tiền. Nhưng do đường sá xấu quá không ai vào mua, thế là cứ ít hôm lại làm thịt một con, nhờ bà con mua giùm. Mà bà con thì làm gì có sẵn tiền, thế là đành phải bán nợ.
“Em không biết nói chi cao xa cả, chỉ gom nhặt từ những câu chuyện trong xóm, như các cháu phải nghỉ học, lợn không bán được, mưa thì bị cô lập… cũng do đường quá xấu, để nói chuyện với bà con. Họ nghe thấy có lí, lại thấy em đập bỏ tường rào trước nên bà con cứ thế làm theo. Các anh chị lãnh đạo xã vào kiểm tra mà không thể ngờ, bà con lại đồng thuận cao như thế. Mong mỏi của em cũng như bà con là cuối năm sẽ có đường mới. Có đường, chắc chắn xóm Nung sẽ thoát nghèo”- Sơn quả quyết.
Chúng tôi chia tay nhau, Trưởng xóm, Người có uy tín Trương Văn Sơn cung cấp thêm một thông tin rất “hệ trọng”: Năm vừa rồi, xóm đã có 32 hộ thoát nghèo, và có thêm vài hộ khá!