Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người có uy tín ở thôn Đắk Mế

Thùy Dung - 19:06, 15/07/2021

Dù ở cương vị nào chị Đinh Thị Khiêm, dân tộc Mường, Người có uy tín, Trưởng thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) cũng hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Chị là tấm gương sáng về phát triển kinh tế cho mọi người trong thôn noi theo.

Ở thôn Đắk Mế, chị Khiêm là tấm gương phát triển kinh tế điển hình để người dân noi theo
Ở thôn Đắk Mế, chị Khiêm là tấm gương làm kinh tế điển hình để người dân noi theo

Vì điều kiện khó khăn, chị Đinh Thị Khiêm, dân tộc Mường phải rời quê hương Hòa Bình vào thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi để lập nghiệp. Hơn 12 năm qua, chị từng bước giúp người dân trong thôn (đồng bào Brâu) vươn lên thay đổi nếp nghĩ cách làm, chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế để thoát nghèo. Nhờ vậy, chị được người dân trong thôn tin tưởng bầu giữ nhiều chức vụ quan trọng, như Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín. Đến năm 2020 chị được bầu làm Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ.

“Ngày mới vào thôn Đắk Mế, đời sống người dân nơi đây còn cơ cực lắm. Nhà chủ yếu là làm tạm bằng ống lồ ô. Người dân còn giữ phương thức làm lúa trọc trỉa, kém hiệu quả. Xác định đây là quê hương thứ hai của mình, tôi đã tìm mọi cách để giúp người dân. Việc quan trọng phải làm đó chính là thay đổi thói quen cho người dân trong thôn. Đầu tiên là thay đổi các cách thức trồng trọt, chuyển đổi trồng lúa rẫy theo kiểu trọc, trỉa sang làm lúa nước để nâng cao năng suất. Đồng thời, tôi vận động người dân trồng mì xen canh với cao su để lấy ngắn nuôi dài, sau đó chuyển đổi diện tích từ từ. Nhà ai có điều kiện hơn thì tôi kêu gọi người ta trồng bời lời, vì thời điểm này giá bời lời rất cao”, chị Khiêm cho biết.

Để làm gương cho người trong thôn, nhiều năm qua chị Khiêm không ngừng chăm chỉ phát triển kinh tế gia đình. Hiện gia đình chị có 2,5 ha cà phê, 2 ha cao su, 1 ha mì, 1 sào lúa và hơn 400 cây ăn trái, mỗi năm thu về được hơn 200 triệu đồng. Từ mô hình kinh tế của gia đình, chị Khiêm đã tạo điều kiện cho người trong thôn có thêm thu nhập bằng cách thuê họ làm. Trong quá trình làm, chị chủ động hướng dẫn lại cho mọi người cách làm, cách chăm sóc cây, để đạt năng suất cao hơn so với cách canh tác truyền thống. Nhờ vậy, toàn thôn hiện có 270 hộ (đồng bào Brâu chiếm 173 hộ) nhưng chỉ còn 5 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo.

Ngoài công tác vận động người dân tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động, phong trào, chị Khiêm còn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân trong thôn về Luật Biên giới. Xã Pờ Y là xã biên giới của huyện Ngọc Hồi, giáp ranh với hai nước Lào và Campuchia nên công tác giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới luôn được chú trọng.

Nữ trưởng thôn người Mường chia sẻ: “Mình thường xuyên phải tuyên truyền người dân trong các buổi họp, chào cờ hằng tháng về công tác giữ gìn trật tự vùng biên giới. Nhắc nhở người dân không được vượt biên, không dẫn dắt người nhập cư trái phép, không buôn bán tàng trữ, vận chuyển pháo nổ… Đặc biệt, thời gian này đại dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, thì công tác tuyên truyền càng cần những người đứng đầu thôn, làng chú trọng và thực hiện quyết liệt hơn”.

Chị Khiêm (bên trái) hướng dẫn người dân tìm hiểu về công tác bầu cử tại nhà Rông thôn Đắk Mế
Chị Khiêm (bên trái) hướng dẫn người dân tìm hiểu về công tác bầu cử tại nhà Rông thôn Đắk Mế

Trong công tác tuyên truyền, vận động người dân 12 năm qua, chị Khiêm gặp không ít khó khăn, nhưng chưa một lần chị có ý định bỏ cuộc. “Để bà con tin và nghe mình, mặc dù mình không có cách nào khác ngoài “miệng nói tay làm”. Mình phải giỏi, phải tốt thì mới chứng minh được lời nói của mình là đúng. Ngoài ra, mình còn nhờ già làng, Người có uy tín giúp đỡ, hỗ trợ trong quá trình tuyên truyền vận động người dân”, chị Khiêm cho biết thêm.

Chia sẻ về những mong muốn của mình, chị Khiêm cho biết: “Tôi rất mong thôn Đắk Mế được Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa để giúp người dân phát triển kinh tế. Tôi hy vọng có nhiều lớp tập huấn về bồi dưỡng kỹ thuật, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để bà con biết cách làm để cho năng suất hiệu quả. Thứ hai là đối với con em người Brâu đi học ra trường được quan tâm hơn, bảo đảm việc làm. Thứ ba là chính sách hỗ trợ cho bà con bảo hiểm y tế, để bà con đau ốm đến trạm xá, bệnh viện khám chữa bệnh miễn phí”.

Với những đóng góp của mình cho sự phát triển của đồng bào Brâu nói riêng và thôn Đắk Mế nói chung, chị Đinh Thị Khiêm được nhận rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành trao tặng. Năm 2016, chị vinh dự được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen “Phụ nữ xuất sắc 5 năm tiêu biểu toàn quốc” giai đoạn 2011 - 2016./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.