Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người có uy tín ở bản Văng Môn với trăn trở bảo tồn văn hóa Ơ Đu

An Yên - 06:16, 08/12/2023

Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, nuôi dạy con cái học hành đến nơi đến chốn, ông còn đau đáu với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Sự tâm huyết, trăn trở ấy của ông đã truyền lửa đam mê để thế hệ trẻ của bản làng yêu hơn văn hóa dân tộc mình. Ông chính là Lo Văn Cường - Người có uy tín bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An).

Bản Văng Môn xã Nga My - nơi có cộng đồng dân tộc Ơ Đu sinh sống
Bản Văng Môn xã Nga My - nơi có cộng đồng dân tộc Ơ Đu sinh sống

Còn nhớ năm 2006, cộng đồng người Ơ Đu ở bản Xốp Pột, bản Kim Hòa (xã Kim Đa cũ, thuộc huyện Tương Dương) di chuyển về sinh sống tại bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương) để nhường đất cho dự án xây dựng thủy điện Bản Vẽ.

Về định cư ở vùng đất mới, được Đảng và nhà nước quan tâm hỗ trợ xây nhà, chia đất, chia rừng sản xuất; lại hỗ trợ cho mỗi hộ một con bò giống, cây trồng cùng vật tư, phân bón…; cùng với đó là sự gần gũi động viên tuyên truyền của già làng, trưởng bản, Người có uy tín nên người Ơ Đu yên tâm xây dựng cuộc sống trên đất mới.

Điều dễ dàng nhận thấy, sau 18 năm ở vùng đất mới, cuộc sống của người Ơ Đu đã đổi thay rất nhiều. Chúng tôi đã về bản Văng Môn và như vui lây cuộc sống mới của bà con: bộ mặt bản làng khang trang, sạch đẹp; là cuộc sống mới sung túc; là con trẻ được học hành đầy đủ; là nhận thức, suy nghĩ của người Ơ Đu đã được nâng lên một bước.  Hiện nay, bản Văng Môn có 109 hộ, với 444 nhân khẩu, trước kia 100% là hộ nghèo, nay tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn khoảng 50%.

Đổi thay là thực tế, tuy nhiên, điều mà nhiều người lớn tuổi ở bản Văng Môn lo lắng nhất là, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, bản sắc văn hóa dân tộc bị mai một nhiều. Một trong những nét văn hóa đang dần phai nhạt là ít người còn biết nói và hát tiếng dân tộc Ơ Đu; ít người biết đến việc tổ chức lễ hội truyền thống đón tiếng sấm đầu năm…

Mong muốn lớn nhất của người Ơ Đu và ông Lo Văn Cường ở bản Văng Môn, là “Lễ hội tiếng sấm” được phục dựng và duy trì,
Mong muốn lớn nhất của người Ơ Đu và ông Lo Văn Cường ở bản Văng Môn, là “Lễ hội tiếng sấm” được phục dựng và duy trì

Trong số rất nhiều người có trách nhiệm, tâm huyết, trăn trở với các vấn đề này ở bản Văng Môn, chính là Người có uy tín, kiêm thầy mo Lo Văn Cường. Ông Cường bảo: Mong muốn lớn nhất của người Ơ Đu ở bản Văng Môn, là “Lễ hội tiếng sấm” được phục dựng và duy trì, bởi trong những tập tục cổ xưa nhất của người Ơ Đu, đây là lễ hội thiêng liêng nhất trong năm.

Rồi ông kể: Người Ơ Đu trước đây phụ thuộc vào tiếng sấm. Từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi họ cũng phải chờ tiếng sấm. Khi trẻ em sinh ra phải đợi cho đến khi nghe tiếng sấm đầu đời mới được đặt tên, bắt đầu tính tuổi. Còn khi về cõi vĩnh hằng, chỉ khi có tiếng sấm vang lên, thì linh hồn họ mới được coi là siêu thoát.

Theo các tài liệu chúng tôi tiếp cận được, cũng như khi gặp gỡ bà con dân bản Ơ Đu, chúng tôi nhận thấy, người Ơ Đu có tiếng nói và chữ viết. Tuy nhiên, qua thời gian, số người biết nói và viết tiếng Ơ Đu là không nhiều, nhất là trong giới trẻ.

Trăn trở về điều này, ông Cường đã trao đổi tâm nguyện với Trưởng bản Lương Thị Lan rồi Bí thư Chi bộ Lo Xuân Tiến và những người lớn tuổi trong bản về việc phục dựng nét văn hóa lễ hội đón tiếng sấm, cũng như phục dựng tiếng nói và chữ viết Ơ Đu. 

Ngay lập tức, tâm nguyện của ông Cường đã được cộng đồng dân tộc Ơ Đu ở bản Văng Môn, cũng như chính quyền xã Nga My, rồi lên đến huyện Tương Dương đồng tình, ủng hộ cao.

Trưởng bản Lương Thị Lan thăm mô hình nuôi bò nhốt của người có uy tín Lo Văn Cường
Trưởng bản Lương Thị Lan thăm mô hình nuôi bò nhốt của Người có uy tín Lo Văn Cường

Được bà con dân bản tín nhiệm bầu làm Người có uy tín, ông Cường đã dùng chính uy tín ấy để bắt đầu với công tác tuyên truyền, vận động bà con gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa cổ truyền dân tộc là lễ hội đón tiếng sấm đầu năm, là tiếng nói và chữ viết Ơ Đu.

Để duy trì tiếng nói và chữ viết Ơ Đu, ngoài bày dạy cho con trẻ, ông Cường đã thực hiện nghi lễ cúng bằng tiếng Ơ Đu, như nhắc nhở bà con dân bản chú ý bảo tồn chữ viết, tiếng nói của dân tộc. Ông Cường chia sẻ: Người Ơ Đu có lễ đón tiếng sấm đầu năm mới. Đó là lễ lớn nhất của bà con. Tôi là thầy mo, được giao tổ chức lễ cúng. Năm nào, tôi cũng chuẩn bị đầy đủ, sửa soạn trang nghiêm và thực hiện các phần lễ theo nét văn hóa mà cha ông truyền lại, trong đó có soạn lời và nói bằng tiếng Ơ Đu để hành lễ. Tự hào lắm.

Rồi ông Cường tâm sự thêm: Mình là người con của dân tộc Ơ Đu, mình không có ý thức tự bảo tồn nghi lễ dân tộc, không có ý thức bảo vệ tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình thì còn ai làm nữa. Vì thế, mỗi khi có cơ hội, tiếng nói, chữ viết Ơ Đu lại được ông Cường sử dụng. Hay đơn giản như việc trao đổi với các cụ cao tuổi trong bản, tôi đều giao tiếp bằng tiếng Ơ Đu để khỏi quên.

Hiện nay, ông Lo Văn Cường đang giữ lại bài cúng, nghi lễ tín ngưỡng trong phong tục, tập quán, luật tục của người Ơ Đu về tín ngưỡng đón tiếng sấm đầu năm. Điều rất đặc biệt, với mong muốn khôi phục lại tiếng nói của người Ơ Đu, bất cứ ai trong bản Văng Môn muốn học tiếng nói của người Ơ Đu, ông Lo Văn Cường đều sẵn sàng truyền dạy miễn phí theo hình thức truyền khẩu.

 “Tôi vui lắm, không chỉ là truyền dạy cho thêm nhiều người biết mà mình còn có thêm cơ hội, điều kiện để nói và viết tiếng Ơ Đu”, ông Cường cho biết.

Lễ hội đón tiếng sấm đầu năm của người Ơ Đu đã được phục dựng từ sự tâm huyết, trách nhiệm của những người như ông Lo Văn Cường
Lễ hội đón tiếng sấm đầu năm của người Ơ Đu đã được phục dựng từ sự tâm huyết, trách nhiệm của những người như ông Lo Văn Cường

Trong dịp gần đây, khi về lại bản Văng Môn để thực hiện cho loạt bài viết về sự đổi thay của người Ơ Đu kể từ khi thực hiện chương trình MTQG 1719, tôi đã có cơ hội thăm ngôi nhà của Người có uy tín Lo Văn Cường. Nếp nhà sàn giản dị của ông Cường lẩn khuất sau nhiều cây cối xanh tươi, ngoảnh mặt ra con đường bê tông nội bản sạch đẹp.

Nhà ông Cường tuy đơn sơ, nhưng treo rất nhiều giấy khen mà ông được các cấp tặng thưởng. Không chỉ nói điều tốt, điều đúng để động viên bà con dân bản thực hiện tốt chủ trương cấp trên, ông Cường còn là người “làm được”, là một điển hình trong phát triển kinh tế ở bản Văng Môn. Ông Cường bộc bạch: Mình là Người có uy tín, muốn bà con tin theo thì mình phải làm tốt đã.

Nhìn vào “gia thế” ông Cường, nhiều hộ trong bản Văng Môn đã từng mơ ước. Ở thời điểm chăn nuôi nhiều, nhà ông có gần 20 con trâu bò, 40 con gà và hơn 1ha keo. Còn con cái của ông, đều được học hành đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định. Hiện nay, đứa đầu là Phó trạm trưởng Trạm y tế xã Nga My và con thứ là Phó trưởng Công an xã Nhôn Mai (Tương Dương).

Nói về thầy mo, Người có uy tín Lo Văn Cường, Bí thư Đảng ủy xã Nga My Kha Văn Lập tự hào: Ông Cường chính là “đầu tàu” để bà con bản Văng Môn bảo vệ, gìn giữ và phát huy tiếng nói, chữ viết, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người Ơ Đu. Với những việc làm của ông Cường, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của người Ơ Đu đang được bảo tồn, lưu giữ tốt hơn, lan tỏa hơn. 

Cũng theo ông Lập, trong các hoạt động bảo tồn văn hóa, địa phương đều ưu tiên thực hiện ở bản Văng Môn. Thực tế hiện nay, các trường học trên địa bàn đều lồng ghép chương trình địa phương vào trong giảng dạy, giáo dục, trong đó có ưu tiên giảng dạy văn hóa dân tộc Ơ Đu. Đó chính là cách để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc một cách bền vững nhất.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.