Từ kinh nghiệm, nguồn vốn có được của bản thân, họ tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ bà con cùng vươn lên làm giàu. Báo Dân tộc và Phát triển giới thiệu một số gương Người có uy tín tiêu biểu ở huyện Lục Ngạn.
Ông Tạ Văn Tu làm giàu từ cây vải: Nhiều năm đi làm thuê, ông Tạ Văn Tu (sinh năm 1966), dân tộc Hoa, thôn Cá 3, xã Tân Quang vẫn không đủ ăn. Năm 1990, sau nhiều đêm suy nghĩ, ông thấy người thân ở tỉnh Hưng Yên trồng vải cho thu nhập cao nên quyết định đi học tập kinh nghiệm. Trở về, ông cùng gia đình cải tạo hơn 1ha vườn đồi trồng vải thiều. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật nên ba năm sau, cây cho nhiều quả. “Nhìn đồi vải sai trĩu quả, chín đỏ, vợ chồng tôi nhận ra đây chính là lối thoát nghèo của mình”, ông Tu chia sẻ. Từ chỗ thiếu ăn nhưng nhờ cây vải mà vợ chồng ông xây được nhà khang trang, sắm sửa đầy đủ tiện nghi.
Đầu năm 2012, UBND xã Tân Quang có kế hoạch dồn điền đổi thửa, chuyển đổi chân ruộng cao sang trồng cây có múi, ông Tu là người đầu tiên trong thôn mạnh dạn đổi ruộng, quy hoạch gần 1ha đất trồng cam Vinh, bưởi Phúc Trạch. Vụ đầu tiên, gia đình thu hơn 500 triệu đồng. Thấy ông làm vườn hiệu quả, bà con trong thôn đến học hỏi kinh nghiệm, ông tận tình chia sẻ kỹ thuật, hỗ trợ cây giống cho hộ nghèo cùng sản xuất. Từ một vùng quê nghèo, chỉ toàn đất trống đồi trọc, đến nay, nhiều người dân trong thôn khá giả, trung bình mỗi nhà có từ 0,5 đến 1ha cây ăn quả đã cho thu nhập.
Ông Nguyễn Văn An với tâm huyết bảo tồn dân ca Sán Dìu: Từng làm cán bộ khuyến nông huyện, ông Nguyễn Văn An thôn Bèo, xã Giáp Sơn tích lũy nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt. Ông bàn với Ban quản lý thôn, hằng năm mời cán bộ kỹ thuật về tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, tổ chức đi học tập kinh nghiệm ở những nơi khác. Ngoài ra, ông còn chủ động liên hệ với Học viện Nông nghiệp Việt Nam chọn giống
cây trồng và hướng dẫn bà con cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho năng suất cao.
Cũng nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đời sống kinh tế dần được cải thiện, người dân trong thôn, xã có điều kiện quan tâm hơn đến việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Từ đây, ông Nguyễn Văn An tập hợp những người biết hát dân ca và tổ chức nhiều buổi biểu diễn, động viên mọi người góp sức, góp tiền theo phương châm xã hội hóa để bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Năm 2008, ông Nguyễn Văn An đứng lên thành lập CLB dân ca Sán Dìu, CLB thường xuyên đi giao lưu trong huyện và các tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Quảng Ninh, những nơi có cộng đồng người Sán Dìu sinh sống.
Ông Hoàng Xuân Cương thoát nghèo từ nghề xây dựng: Trong một lần về thăm người bạn ở xã Nội Duệ, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh cũ, ông ngỡ ngàng bởi sự giàu có của người dân nơi đây nhờ làm nghề xây dựng. Năm 1988 sau khi nghỉ hưu, ông đã thành lập một nhóm khoảng 8 người trong thôn đứng ra nhận công trình xây dựng. Sau 2 năm dưới sự dẫn dắt của ông, từ những người thợ chưa biết đến nghề xây giờ đã đứng ra nhận thầu những công trình lớn, quản lý lên đến 50 thợ với tiền công từ 200 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng một ngày.
Hiện nay, những người thợ do ông đào tạo, giúp đỡ đều có của ăn của để, con cái được học hành đầy đủ. Gia đình nào xây nhà đều có thể tự xây không cần thuê đến thợ, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng...
Hồng Minh