Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người có uy tín chung tay, góp sức bảo vệ biên cương

Minh Thu - 22:09, 24/03/2025

Những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các địa phương khu vực biên giới luôn chú trọng, quan tâm xây dựng thế trận lòng dân ở khu vực biên giới. Đồng hành cùng BĐBP có đội ngũ Người có uy tín, họ là “cầu nối” trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động bà con chung tay góp sức bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Người có uy tín trên địa bàn xã Thanh Long, huyện Văn Lãng và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Hình, BĐBP Lạng Sơn kiểm tra đường biên, cột mốc (Ảnh: Báo Lạng Sơn).
Người có uy tín trên địa bàn xã Thanh Long, huyện Văn Lãng và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Hình, BĐBP Lạng Sơn kiểm tra đường biên, cột mốc. (Ảnh: Báo Lạng Sơn)

Phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu

Theo thống kê của BĐBP tỉnh Lạng Sơn, ở khu vực biên giới của tỉnh hiện có 176 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Với tinh thần trách nhiệm của mình, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu, tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Nhìn thấy cột mốc, đường biên giới không xáo trộn là vui. Ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ, vì đó là chủ quyền an ninh biên giới quốc gia thiêng liêng, là bất khả xâm phạm”.

Già làng Siu BìnhNgười có uy tín làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai

Một trong những cá nhân Người có uy tín điển hình, có nhiều đóng góp trong phong trào bảo vệ đường biên cột mốc trên biên cương xứ Lạng là ông Bế Văn Cỏng, dân tộc Nùng, năm nay 75 tuổi, thôn Còn Bó, xã Thanh Long. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Cỏng vẫn tích cực cùng người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Mới đây, gia đình ông Cỏng đã hiến gần 300m2 đất rừng để làm đường lên kiểm tra cột mốc 1071.

Trung tá Đinh Hoàng Khanh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Na Hình, BĐBP Lạng Sơn cho biết: Là Người có uy tín của thôn, ông Cỏng luôn gương mẫu, đi đầu, tích cực tham gia và động viên con cháu, người dân tham gia, phối hợp cùng với BĐBP tự quản đường biên, cột mốc, tuần tra biên giới, góp phần kịp thời phát hiện các vấn để nảy sinh trên biên giới.

Dọc dài theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, hàng chục năm qua, bằng những việc làm cụ thể, đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín tại các bản làng biên giới đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác bảo vệ đường biên, cột mốc biên cương. Họ được ví như những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền, bảo vệ bình yên nơi biên giới Tổ quốc.

Già làng Thao Văn Sếnh cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo (BĐBP Thanh Hóa) tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc (Ảnh minh họa).
Già làng Thao Văn Sếnh cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo (BĐBP Thanh Hóa) tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. (Ảnh minh họa)

Như già làng Siu Bình, 76 tuổi, Người có uy tín làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai từ hơn 10 năm qua đã cùng Tổ tự quản kiểm tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. Già Siu Bình còn tích cực tham gia trong các hoạt động phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội ở địa phương. Nhờ đó, nhiều năm qua, ở làng Sơn không có hộ gia đình xâm canh, xâm cư trái phép, việc qua lại biên giới của người dân thực hiện đúng quy định.

“Nhìn thấy cột mốc, đường biên giới không xáo trộn là vui. Ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ, vì đó là chủ quyền an ninh biên giới quốc gia thiêng liêng, là bất khả xâm phạm”- già Siu Bình chia sẻ.

Quân với dân đồng hành bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới

Cách đây tròn 10 năm, ngày 09/01/2015, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, lực lượng BĐBP các địa phương đã tham mưu, phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch liên tịch để tổ chức thực hiện.

Người có uy tín tại các xóm, xã, thị trấn biên giới đã và đang là những “cột mốc sống”, được bồi đắp từng ngày, xây dựng thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Người có uy tín tại các xóm, xã, thị trấn biên giới đã và đang là những “cột mốc sống”, được bồi đắp từng ngày, xây dựng thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia

Theo đó, các đồn biên phòng và chính quyền các xã biên giới xây dựng các quy chế phối hợp trong thực hiện, trong đó xác định đồn biên phòng là lực lượng chủ trì, nòng cốt. Các đơn vị BĐBP đã có nhiều phong trào, hoạt động nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân ở khu vực biên giới với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân. Qua đó, người dân ngày càng có ý thức, trách nhiệm và tích cực tham gia các hoạt động cụ thể để bảo vệ đường biên, cột mốc, chung tay cùng lực lượng Biên phòng tuần tra, kiểm soát, bảo vệ đường biên, cột mốc. 

Đến nay, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đã không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quần chúng Nhân dân về quản lý, bảo vệ biên giới, biển đảo cũng như phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng trong việc bảo vệ các tuyến biên giới trên đất liền và trên biển... tạo cơ sở vững chắc trong việc xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới.

Từ phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia góp phần tăng cường tình đoàn kết, tình nghĩa quân - dân gắn bó, giữ gìn an ninh biên giới. Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, Người có uy tín tại các xóm, xã, thị trấn biên giới đã và đang là những “cột mốc sống”, được bồi đắp từng ngày, xây dựng thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Tin cùng chuyên mục
Thay đổi “nếp nghĩ cách làm” nhờ Chương trình MTQG 1719

Thay đổi “nếp nghĩ cách làm” nhờ Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 1: từ 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã đi vào chặng đường cuối của giai đoạn 1. Cùng với những thay đổi to lớn về kết cấu hạ tầng, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có nhiều bước chuyển đáng mừng. Đặc biệt, với trợ lực từ Chương trình MTQG 1719, đã có nhiều thay đổi trong “nếp nghĩ cách làm” của đại bộ phận đồng bào DTTS và miền núi.