Thôn Ngàn Vàng Dưới có 44 hộ, chủ yếu là người dân tộc Tày, Sán Chỉ sinh sống bằng nghề nông- lâm nghiệp. Đời sống của người dân trong thôn còn nhiều khó khăn, nhận thức còn hạn chế. Hơn 10 năm với vai trò Người có uy tín, ông đã luôn nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Ông Nghiệp chia sẻ, với một địa bàn chủ yếu là rừng như thôn Ngàn Vàng Dưới, thu nhập của bà con chủ yếu là lao động làm thuê, sản xuất nông lâm nghiệp trên diện tích rừng nên tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất rừng giữa các hộ dân thường xuyên xảy ra.
Với vai trò Người có uy tín, ông đã thường xuyên phối hợp với chính quyền phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn đối với các quy định về quản lý; bảo vệ rừng, khai thác, sản xuất đất rừng tại các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn.
Anh Ninh Văn Đạc, người dân thôn Ngàn Vàng Dưới cho biết: “Trong các buổi họp thôn, bác Nghiệp đã lồng ghép nội dung thông tin các vấn đề liên quan đến rừng, giải đáp các thắc mắc của người dân về việc sản xuất rừng tại địa phương. Nhờ đó, chúng tôi cũng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng, cũng như áp dụng phương thức phù hợp để sản xuất cũng như bảo vệ rừng”.
Trong năm 2021 và năm 2022, ông Bế Sinh Nghiệp đã cùng cán bộ chính quyền tuyên truyền, vận động giải quyết dứt điểm được 3 vụ mâu thuẫn, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trong nội bộ đồng bào dân tộc thiểu số ngay tại cơ sở; trực tiếp tham gia tổ chức hòa giải thành công 08 vụ việc liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm đất ở, đất rừng trong thôn bản, góp phần ổn định an ninh trật tự xây dựng khối địa đoàn kết dân tộc.
“Ông Bế Sinh Nghiệp là người rất nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Ông luôn kịp thời nắm bắt cũng như triển khai tốt các chủ trương, công việc đến bà con; đặc biệt là góp phần vào việc giải quyết các tranh chấp rừng, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương”, ông Mạc Ngọc Điệp, Bí thư xã Đồng Lâm chia sẻ.