Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Người chăn nuôi thiệt hại nặng nề sau dịch tả lợn châu Phi

PV - 09:49, 31/07/2019

Sau khi cơn "bão" dịch tả lợn châu Phi tràn qua, nhiều vùng từng là "thủ phủ" của nghề nuôi lợn ở miền Bắc với những trang trại nuôi hàng ngàn con lợn nay chuồng trại trống trơn, tiêu điều xơ xác. Nhiều người dân mắc nợ phải bỏ làng đi tha phương để tìm kế mưu sinh nơi khác.

“Cái khó bó cái khôn”!

Huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, từng là "thủ phủ" nuôi lợn nổi tiếng nhưng giờ tại các xã của huyện vắng lặng lạ thường.

Nhắc đến chuyện nuôi lợn, bà Nguyễn Thị Tất (70 tuổi) ở thị trấn Văn Giang lại chảy nước mắt. Nhớ lại thời "hoàng kim" của nghề, bà Tất cho biết, những năm 2016, có lúc trong trang trại của gia đình bà và các con có hàng nghìn con lợn, hàng trăm con nái ngoại, khách mua nuôi và lái buôn vào ra tấp nập, có ngày tiền thu về lên tới cả tỷ bạc là chuyện thường.

Ngành chức năng kiểm tra số lợn dịch trước khi đi tiêu hủy, qua đó có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại. Ngành chức năng kiểm tra số lợn dịch trước khi đi tiêu hủy, qua đó có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại.

“Nhưng gần năm nay, chuồng trống hoác và khoản nợ khủng lên đến chục tỷ đồng chưa biết khi nào mới trả được. Nhà nước cũng có chủ trương hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại do dịch; tuy nhiên số tiền này không đủ trả nợ tiền chi phí; đặc biệt, gia đình vốn chỉ quen với chăn nuôi lợn, bây giờ muốn khôi phục nghề, phải vệ sinh môi trường ba tháng, nửa năm mới chăn nuôi được chưa kể rủi ro dịch bệnh là rất lớn. Hai vợ chồng đứa con trai phải lên thành phố tìm việc làm tạm thời để mưu sinh”, bà Tất buồn bã chia sẻ thêm.

Cùng hoàn cảnh với gia đình bà Tất, hộ anh Phạm Văn Vinh cũng từng nổi tiếng khắp làng nhờ nuôi lợn, nhưng giờ cũng rơi vào tình cảnh "chết dở, sống dở". Hôm chúng tôi đến, cổng nhà anh Vinh vẫn khóa chặt vì hai vợ chồng phải đi làm bên ngoài. Cách đây khoảng 1 tháng, nhà anh Vinh vẫn còn khoảng 200 con lợn thịt sắp xuất chuồng và 30 con nái, trong đó có nhiều con mới đẻ nhưng chỉ trong ít ngày, toàn bộ số lợn bị nhiễm dịch bệnh chết, phải báo chính quyền xuống lập biên bản và đưa đi tiêu hủy.

Cần thay đổi cơ cấu chăn nuôi

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết; 10 năm qua ngành chăn nuôi tăng trưởng rất cao nhưng còn tập trung với con lợn mà quên các loại vật nuôi khác. Chưa bao giờ ngành chăn nuôi khó khăn như thế này. Hai năm qua, cả nước nỗ lực cứu vãn thị trường thịt lợn, nhưng dịch tả lợn châu Phi lan rất nhanh, vượt quá sức cố gắng của mọi người khiến ngành chức năng phải căng mình cứu đàn bằng mọi giá.

Theo ông Dương, dù dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, nhưng việc kiểm soát không hề đơn giản. Hệ lụy là ngành chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này có nguyên nhân từ thói quen tiêu dùng, tập quán chăn nuôi khiến cơ cấu chưa hợp lý. Ví dụ như, trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm ở châu Âu thịt gia cầm chiếm 40%, hơn 35% là gia súc ăn cỏ, 20-25% là thịt lợn, thì ở Việt Nam và Trung Quốc: 65-70% là thịt lợn, 20-25% thịt gia cầm, còn lại là thịt đỏ. Đây là cơ cấu không hợp lý, đặc biệt chăn nuôi lợn đang gây áp lực rất lớn về thị trường và môi trường.

Năm 2019, ngành chăn nuôi đang có kế hoạch điều chỉnh tốc độ tăng trưởng gia cầm từ 6% (1,2 triệu tấn thịt) năm 2018 lên 9%. Số trứng gia cầm năm 2018 đạt 11,8 tỷ quả cũng được đề nghị tăng lên 12 - 18 tỷ quả. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay, là phải đẩy mạnh thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, các địa phương cần tập trung, tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ thiệt hại kịp thời cho người chăn nuôi có điều kiện tái đàn; xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn rồi nhân rộng; đặc biệt người dân cần hay đổi thói quen tiêu dùng...

TUẤN TRÌNH