Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người cha nuôi của 200 trẻ em khó khăn

Minh Thu - 10:38, 15/05/2024

Sau gần 6 năm chiến đấu ở chiến trường K (Campuchia), ông Huỳnh Tấn Hùng (SN 1962) trở về quê hương ở thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam lập nghiệp. Trong hành trang trở về, ông Hùng luôn tâm niệm rằng, là bộ đội Cụ Hồ thì phải biết vượt qua khó khăn, giúp đời, giúp người.

Ông Hùng hướng dẫn trẻ tập tô màu (Ảnh: giaoducthoidai.vn)
Ông Hùng hướng dẫn trẻ tập tô màu (Ảnh: giaoducthoidai.vn)

Mái ấm tình thương

Trong thời gian tại ngũ, nhờ được học lớp y sĩ trong Quân đội, có vốn kiến thức nhất định về chăm sóc sức khỏe, ông Hùng đã có ý tưởng xây dựng một trung tâm để nuôi dưỡng, giúp đỡ trẻ mô côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ để xây dựng những ngôi nhà tình thương cho những người không có nơi nương tựa.

Sau khi hoàn thành đầy đủ thủ tục, năm 2015, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (Trung tâm) của ông Huỳnh Tấn Hùng bắt đầu đi vào hoạt động. Ban đầu, kinh phí để duy trì hoạt động của trung tâm chính là những đồng lương của người cựu binh. Đồng thời, ông đi tìm các nhà hảo tâm để thêm nguồn lực chăm nuôi những mảnh đời cơ nhỡ. Đến nay, Trung tâm đã nuôi dưỡng, chăm sóc trên 200 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những người già cả neo đơn, không nơi nương tựa.

Trung tâm của ông Huỳnh Tấn Hùng đã giúp cho huyện rất nhiều trong công tác thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn. Trung tâm đã hoạt động rất thiết thực, tạo động lực và giúp cho những mảnh đời, hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Ông Lê Thanh Long Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam

Tại trung tâm, các em có đủ độ tuổi, từ vài tháng tuổi đến những em 10 tuổi, cả những em đã trưởng thành được ông cho đi học đại học. Em gọi ông là cha, em gọi là ông nội, ông ngoại. Trung bình 1 tháng, Trung tâm chi hết khoảng 15 - 20 triệu mới đủ cho những đứa trẻ có bữa ăn no, một cuộc sống bình thường. Bởi vậy, gánh nặng kinh tế cứ thế trĩu trên đôi vai gầy guộc của người Cựu Chiến binh.

Theo ông Hùng, các hoàn cảnh cơ nhỡ ở trung tâm có đủ các lứa tuổi. Có những cháu đang ở tuổi đi mẫu giáo, có cháu học đại học và cả những bé chưa đến tuổi đi học, hoặc bị khuyết tật bẩm sinh...

Em Dương Thái Lâm, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) được ông Hùng mang về Trung tâm nuôi dưỡng từ khi còn rất nhỏ, tạo mọi điều kiện để Lâm học tập. Bây giờ, Lâm đã là sinh viên đại học, toại nguyện với ước mơ ấp ủ bao ngày.

“Em rất may mắn khi số phận cho em gặp ba Hùng, được Trung tâm của ba nuôi dưỡng và dành cho em những tình cảm tốt đẹp. Với em, ba Hùng rất tuyệt vời”, Lâm bộc bạch.

Cựu Chiến binh Huỳnh Tấn Hùng với các em nhỏ tại Trung tâm (Ảnh Bá Dũng).
Cựu Chiến binh Huỳnh Tấn Hùng với các em nhỏ tại Trung tâm (Ảnh Bá Dũng).

Giúp đời, giúp người

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm có hơn 400 trẻ em được giúp đỡ, trong đó có 200 trẻ đến được một thời gian thì người thân đón về, hơn 200 em ở lại trung tâm đến khi trưởng thành. Ở Trung tâm, các em được tạo điều kiện để đi học, em nào học tốt được chu cấp tài chính vào đại học, các em khác được học nghề, sau đó ông Hùng liên hệ các doanh nghiệp để xin việc làm cho các em.

Đến nay có 4 em đã tốt nghiệp đại học ra trường đi làm, nhiều em khác đi làm công nhân. Các em nhỏ chưa đến độ tuổi đi học thì được các cô ở Trung tâm chăm sóc, được ăn uống, vui chơi lành mạnh, được tạo môi trường để phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.

Mặc dù, kinh phí của Trung tâm là nguồn tự chủ, chủ yếu vận động từ các mạnh thường quân nhưng với tấm lòng thiện nguyện, ông Hùng vẫn luôn cố gắng nỗ lực lao động thêm để kiếm tiền lo cho con trẻ. Ngoài kinh phí ăn, học, ông Hùng còn phải tìm nguồn hỗ trợ hằng tháng cho các cô chăm sóc tại Trung tâm để họ có cuộc sống ổn định và yên tâm chăm sóc các con lâu dài, mặc dù các cô đều đến với tấm lòng thiện nguyện.

Các em nhỏ ở mái ấm của ông Hùng (Ảnh: Vnexpress.net)
Các em nhỏ ở mái ấm của ông Hùng (Ảnh: Vnexpress.net)

Không chỉ tìm nguồn kinh phí vận hành hoạt động Trung tâm, ông Huỳnh Tấn Hùng còn vận động các nhà hảo tâm đóng góp sửa chữa, xây dựng 25 căn nhà tình thương cho những gia đình khó khăn trên địa bàn với kinh phí bình quân khoảng 20 triệu đồng/căn.

Ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam cho hay, Trung tâm của ông Huỳnh Tấn Hùng đã giúp cho huyện rất nhiều trong công tác thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn. Trung tâm đã hoạt động rất thiết thực, tạo động lực và giúp cho những mảnh đời, hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Nói về mình, ông Hùng tỏ ra khiêm nhường: “Tôi cũng từ gian khó, vất vả đi lên nên mình giúp được gì cho dân thì mình giúp. Đã là lính Cụ Hồ thì phải vượt qua khó khăn, giúp người, giúp đời. Các cháu ở với tôi, tôi vẫn luôn dạy một điều rằng, cho dù nghèo khó nhưng chúng ta cũng phải nên người, phải nỗ lực học tập để thành công và thành công để thoát được kiếp nghèo khó. Chỉ có như vậy mới giúp gia đình và xã hội phát triển được”.

Giờ đây, ước nguyện giúp đời, giúp người của ông Hùng đã trọn vẹn. Với tấm lòng nhân ái, bằng những việc làm thiện nguyện thiết thực, từ khi thành lập Tryung tâm đến nay, cựu chiến binh Huỳnh Tấn Hùng đã trở thành cha nuôi của hơn 200 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, bất hạnh, để các em có nơi ăn chốn ở, được tạo điều kiện học hành để trở thành người có ích cho xã hội.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.