Hành trình phục hồi cây quýt cổ
Về xã Nam Sơn, một trong những xã đặc biệt khó khăn, trước kia đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn, cây quýt được trồng xung quanh nhà, đồi nhưng chẳng ai để ý đến chuyện bón phân cho quýt. Cứ đến mùa quýt cho quả là hái mang bán. Mấy năm gần đây, việc bón phân, chăm sóc cây không còn xa lạ với người dân địa phương nữa mà đã trở thành việc làm thường xuyên của người nông dân.
Qua tìm hiểu được biết, có kết quả ngày hôm nay là từ hiệu quả của hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất-Dự án 2 thuộc Chương trình 135. Bên cạnh việc tập huấn cho bà con những kỹ thuật cần thiết, Dự án còn cung cấp hơn 10.000 cây giống cho gần 240 hộ nghèo với tổng kinh phí lên đến 390 triệu đồng.
Khi được hỏi về cây quýt, người dân địa phương đều gọi là “quýt cổ”, vì chẳng ai biết cây quýt có trên đất Nam Sơn từ bao giờ, chỉ biết cây quýt đã ở đất Nam Sơn từ trước năm 1950. Diện tích trồng manh mún, chỉ đủ bán tại các phiên chợ khiến hiệu quả kinh tế từ cây quýt không được chú trọng trên địa bàn.
Mạnh dạn từ bỏ cây trồng ngắn ngày, năm 2008, ông Hà Văn Nhức, dân tộc Mường, xóm Bương, chuyển hoàn toàn sang trồng quýt. Sau 3 năm trồng thử nghiệm vụ thu hoạch đầu tiên, ông Nhức đã thu về từ 30-50 triệu đồng, ông phấn khởi chia sẻ: “Khi chuyển sang trồng cây quýt, ban đầu cũng rất phân vân, song nhờ có sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực của chính quyền xã, tôi mạnh dạn chuyển đổi dần từ trồng ngô sang trồng quýt. Thu nhập từ cây quýt đã góp phần giúp gia đình sớm thoát nghèo, kinh tế khá lên, con cái có điều kiện học hành”.
Có được tín hiệu tốt từ thị trường và đầu ra ổn định, ông thực hiện ghép cây, nhân giống và trồng rộng rãi trên mảnh vườn 3ha, số lượng quýt hiện nay của gia đình ông lên đến 1.400 gốc, hằng năm thu về trên 200 triệu đồng. Ông Nhức trở thành tấm gương thoát nghèo cho bà con trong xã học tập, làm theo.
Xây dựng nhãn hiệu tập thể
“Năm nay gia đình mình thoát nghèo rồi, nhờ cây quýt cả đấy”, chị Bùi Thị Chung, xóm Bương phấn khởi thông tin. Gia đình chị Chung được cung cấp 200 cây giống ban đầu, đến nay, trên diện tích đất trồng của gia đình đã có 250 cây quýt, trong đó chủ yếu là quýt chua cổ và quýt canh, những sản phẩm nổi tiếng của địa phương. Chị Chung cho biết, năm vừa qua, gia đình chị thu hoạch được gần 5 tấn quả, xe vào tận vườn thu mua với giá 18.000 đồng/kg.
Năm 2018, xã Nam Sơn cung cấp cho thị trường trên 100 tấn quýt, thu về hơn 2 tỷ đồng. Người dân Nam Sơn tự hào, đây là sản phẩm mà không nơi nào có được. Cây quýt giờ đây là cây trồng chủ lực trên toàn địa bàn xã Nam Sơn, “người người trồng quýt, nhà nhà trồng quýt”.
Quýt cổ dễ trồng, được thiên nhiên ưu đãi, ít sâu bệnh lại có sức đề kháng tốt, chu kỳ thu hoạch của cây kéo dài, cho hiệu quả kinh tế cao. Nhằm giữ thương hiệu và nâng cao giá trị cây trồng cho địa phương, cuối năm 2018, UBND huyện Tân Lạc vui mừng đón nhận bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “quýt Nam Sơn-xã Tân Lạc”. Những nỗ lực của chính quyền và người dân Nam Sơn đã giúp cây quýt có điều kiện phát triển, vươn xa ra thị trường.
NGHĨA HIỆP