Nghệ nhân Ưu tú Mạc Văn Đậu là người biết hát soong hao từ khi còn nhỏ, đồng thời cũng là người thành lập ra Câu lạc bộ hát Soong hao ở thôn Quán Cà, xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn. Ông giới thiệu cho chúng tôi về làn điệu soong hao, theo tiếng Nùng, soong hao nghĩa là hai ta, đôi ta. Đây là lối hát giao duyên có từ lâu đời của dân tộc Nùng và được ví như cây cầu bắc mối lương duyên cho biết bao đôi trai gái đến với nhau, nảy nở tình yêu và kết đôi thành vợ chồng.
Khác với nhiều dân tộc khác, hát soong hao của dân tộc Nùng đặc biệt ở chỗ không có nhạc đệm. Tuy nhiên, không vì thế mà nó kém sức hấp dẫn, sự say đắm và ngọt ngào. Soong hao có những điệu hát chính là hát giao duyên, hát đám cưới và ngày thường. Các nhóm trai gái người Nùng thường nhân những dịp đi chợ phiên, khi trăng rằm hoặc thời điểm Tết đến Xuân về để hát với nhau. Những cuộc hát có thể kéo dài từ sáng sớm đến chiều muộn, họ hát say sưa dọc trên các ngả đường đi về bản. Lúc này, họ sẽ cất lên những điệu hát với biết bao tâm sự, nỗi lòng sâu kín từ trái tim và không ít đôi đã nên vợ, nên chồng sau những cuộc hát ấy.
Ngày nay, hát soong hao không chỉ là lời hát giao duyên nồng nàn của trai gái người Nùng mà còn được người dân biểu diễn trong các chương trình văn nghệ, các cuộc vận động. Không ít lời bài hát cũng được sáng tác mới cho phù hợp với cuộc sống thường ngày và nhu cầu thưởng thức hiện nay của người dân. Để bảo tồn, phát huy những giá trị hát soong hao, những năm qua, ngành Văn hóa tỉnh Bắc Giang không những nỗ lực để những làn điệu soong hao thực sự trở thành “bảo vật tinh thần” của đồng bào dân tộc Nùng.
Ông Đỗ Tuấn Khoa, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cho biết, hát soong hao là một trong những di sản phi vật thể được tỉnh Bắc Giang quan tâm, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân về những giá trị văn hóa. Ngoài việc tuyên truyền, tỉnh còn tổ chức khôi phục các hội hát, lễ hội hát soong hao đã bị mai một. Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang còn triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS từ năm 2010-2015, tầm nhìn 2020”. Về cơ bản, Đề án đã đạt được những kết quả như mong đợi. Nhiều lớp truyền dạy hát soong hao được tổ chức; nhiều nghệ nhân được vinh danh và có cơ hội để truyền dạy cho thế hệ trẻ; nhiều cuốn sách tư liệu về làn điệu soong hao được xuất bản…
Ngoài ra, hằng năm những Câu lạc bộ hát Soong hao cũng thường xuyên đi giao lưu, liên hoan trong tỉnh và khu vực. Vừa qua, nhóm nghệ nhân hát soong hao tỉnh Bắc Giang đã có dịp biểu diễn tại Hà Nội trong Chương trình “Sắc màu văn hóa Bắc Giang”.
Ông Khoa cũng thông tin thêm, riêng tại huyện Lục Ngạn, từ năm 2003 đã có nhiều lớp học truyền dạy hát soong hao được mở. Hằng năm cứ vào ngày 18 tháng 2 âm lịch, bà con dân tộc Nùng ở huyện Lục Ngạn lại rộn ràng tham gia Lễ hội hát soong hao. Lễ hội đã trở thành đặc trưng riêng của người dân huyện Lục Ngạn.
HỒNG MINH