Trong mùa Hè vừa qua, phòng máy vi tính tại “Ngôi nhà thiện nguyện” của Đồn Biên phòng Mỹ Lý (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) vẫn luôn mở cửa đón các em học sinh trên địa bàn đến truy cập thông tin, ôn luyện bài cũ. Cháu Cụt Thị Minh Thư, bản Huồi Cáng 1, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn phấn khởi nói: “Đến đây, cháu được các chú bộ đội hướng dẫn rất tận tình. Cháu được thực hành kiến thức đã học ở trường và ôn tập chuẩn bị cho năm học mới”.
Tại gian trưng bày quần áo và đồ dùng thiết yếu, chị Cụt Mẹ Hom, nhà ở bản Huồi Cáng 1, xã Bắc Lý lựa chọn cho mình món đồ ưng ý nhất. Chị Hom chia sẻ: “Vào nhà thiện nguyện, mình thích nhất là được tự tay lựa chọn mang về những đồ dùng cần thiết, phù hợp, yêu thích nhất”.
Thiếu tá Phan Đức Tâm, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho biết: Xuất phát từ hoàn cảnh đời sống người dân trên địa bàn khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đơn vị đã có sáng kiến xây dựng nhà thiện nguyện nhằm huy động, tiếp nhận, trưng bày, cấp phát quần áo miễn phí với phương châm “Ai cần đến lấy, ai có sẻ chia”. Vận động nguồn kinh phí của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nguồn kinh phí tự nguyện đóng góp của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Từ chỗ chỉ thu gom, cấp phát quần áo, lương thực, thực phẩm đến nay đã tích hợp thêm các hoạt động: truy cập máy tính, phòng cắt tóc, sửa chữa xe đạp… để đáp ứng nhu cầu của các cháu học sinh và người dân trên địa bàn…
Ngôi nhà thiện nguyện của Đồn Biên phòng Mỹ Lý được hoàn thành vào tháng 1/2021 có diện tích sử dụng khoảng 70m2 gồm 3 gian nhà gỗ, nền cứng, mái lợp tôn, đảm bảo vững chãi có giá trị sử dụng lâu dài. Trong đó, 1 gian để trưng bày quần áo và các vật dụng thiết yếu khác; 1 gian bố trí 10 máy tính để bàn có kết nối Internet tốc độ cao; 1 gian bố trí bàn ghế cắt tóc, phía ngoài bố trí 2 tủ sách biên cương.
Công trình được xây dựng với tổng trị giá trên 400 triệu đồng, trong đó mạnh thường quân tài trợ 200 triệu đồng, số còn lại sự đóng góp ủng hộ tự nguyện của cán bộ, chiến sĩ cả về kinh phí và ngày công lao động xây dựng. Được biết, để tiết kiệm kinh phí, đơn vị đã lập 1 tổ thợ để tiến hành xây dựng nhà đến khi hoàn thành. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức và Nhân dân trên địa bàn đã đóng góp nhiều ngày công khai thác vật liệu tại chỗ như gỗ, đá... cùng với đơn vị tiến hành xây dựng công trình hoàn thành đúng theo kế hoạch.
Địa bàn Đồn Biên phòng Mỹ Lý quản lý gồm 2 xã thuộc huyện biên giới Kỳ Sơn. Trong đó xã Mỹ Lý có 12 bản với dân số 1.235 hộ/5.698 nhân khẩu; có 4 thành phần dân tộc sinh sống gồm: Kinh, Thái, Khơ Mú và Mông; xã Bắc Lý có 13 bản với dân số 951 hộ/5051 nhân khẩu; có 3 thành phân dân tộc sinh sống gồm: Thái, Khơ Mú và Mông. Nhìn chung, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mặc dù chính quyền, các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc xóa đói giảm nghèo, song tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao (hộ nghèo chiếm 61,3%; cận nghèo 20,5%).
Ông Cụt Văn Long, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý khẳng định: Việc Đồn Biên phòng Mỹ Lý tổ chức xây dựng và đưa vào hoạt động ngôi nhà thiện nguyện giúp địa phương có thêm địa chỉ tin cậy hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào nghèo. Ngôi nhà còn là nơi cư trú an toàn của Nhân dân khi có thiên tai, mưa lũ, dịch bệnh trên... địa bàn.
Từ ngôi nhà thiện nguyện đầu tiên tại Đồn Biên phòng Mỹ Lý, đến nay các đơn vị thuộc BĐBP Nghệ An đã triển khai xây dựng được thêm 4 ngôi nhà thiện nguyện tại Đồn Biên phòng Keng Đu, Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn), Châu Khê (huyện Con Cuông) và Tam Hợp (huyện Tương Dương).
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, các “Ngôi nhà thiện nguyện” đã huy động, quyên góp được kinh phí, vật chất, lương thực, thực phẩm, quần áo trị giá 2 tỷ 131 triệu đồng, gồm: 11.500 kg gạo; 500 lít nước mắm; 400 lít dầu ăn; 1.000 ly sữa; 62 con lợn và 1 con bò; 21 tấn và 6.800 bộ quần áo; 1 tấn muối; 500 kg mỳ chính; 2.050 thùng mỳ ăn liền; 300 gói bánh kẹo; 1.830 đôi ủng, dép các loại; 1.600 đầu sách giáo khoa các loại; 2.500 quyển vở; 1.000 bút viết; 200 chăn ấm… Phần lớn đã được chia sẻ cho Nhân dân và học sinh trên địa bàn. Bên cạnh đó đã phục vụ 515 lượt người dân và học sinh đến học và truy cập Internet; hơn 500 lượt người đến đọc sách báo, tài liệu...
Nhằm đảm bảo cho "Ngôi nhà thiện nguyện" hoạt động nền nếp, có hiệu quả, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị của đơn vị, vào các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật hằng tuần, các đơn vị tổ chức mở cửa để đồng bào nghèo, học sinh khó khăn trên địa bàn lựa chọn một số vật dụng cần thiết, như: Quần áo, chăn màn, giày dép, sách vở, đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm… Bên cạnh đó, thường xuyên triển khai các hoạt động giúp đỡ Nhân dân trên địa bàn như: cắt tóc, thư viện nhỏ, điểm truy cập internet, sửa chữa xe đạp… Đây còn là nơi để cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tiếp cận người dân, nắm bắt tình hình và tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến người dân.
Đại tá Lê Như Cương, Chính ủy BĐBP tỉnh Nghệ An chia sẻ: Để phát huy hiệu quả mô hình “Ngôi nhà thiện nguyện”, Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo các đơn vị trong quá trình triển khai cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… làm tốt công tác huy động nguồn lực, đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của mô hình hiện có, với tinh thần lan tỏa tính nhân văn của ngôi nhà thiện nguyện, là điểm tựa vững chắc, tin cậy của đồng bào nghèo khu vực biên giới.