Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ngôi nhà sàn của người Thái

Mắn On - Sùng Dính - 11:21, 17/07/2023

Nhà sàn là một sản phẩm văn hóa đặc sắc, giữ vị trí quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần đồng bào các DTTS. Với đồng Thái, trong bối cảnh giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, vùng miền diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, thì việc bảo tồn, gìn giữ các nếp nhà sàn truyền thống chính là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Ngôi nhà truyền thống của người Thái xã Chà Nưa (Nậm Pồ, Điện Biên) vẫn được bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn
Ngôi nhà truyền thống của người Thái, xã Chà Nưa vẫn được bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn

Điện Biên là nơi hội tụ sinh sống của 19 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa… tạo thành bức tranh đa sắc màu cho văn hóa Điện Biên. Trong đó, dân tộc Thái chiếm 35,69% dân số toàn tỉnh. Người Thái sinh sống rải rác ở hầu hết các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Trải qua thời gian, dân tộc Thái đã hình thành nên văn hóa đặc trưng trong các sinh hoạt thiết yếu thường nhật là “ăn cơm nếp, uống rượu cần, mặc xửa cóm, ở nhà sàn”. 

Ngày nay, những ngôi nhà sàn của dân tộc Thái ở xã Chà Nưa (Nậm Pồ, Điện Biên) có nhiều thay đổi, thiết kế hiện đại, phù hợp với sinh hoạt gia đình, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống
Dù người Thái ở Chà Nưa đã có sự thay đổi về vật liệu, thiết kế phù hợp với sinh hoạt, nhưng ngôi nhà sàn vẫn giữ được nét đẹp truyền thống

Ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như: Gỗ, tre, nứa, song, mây, tranh, kè, cọ... Để làm được một ngôi nhà sàn, thì khâu chuẩn bị gỗ là công phu nhất. Sở dĩ như vậy là vì, nhà sàn yêu cầu chất lượng gỗ tốt, bền bỉ trong môi trường tự nhiên, đủ sức chịu lực. Đồng thời, gỗ có mặt trong hầu hết các kết cấu quan trọng nhất của ngôi nhà sàn Thái truyền thống và được sử dụng để làm cột, kèo, quá giang, xà dọc, xà ngang. Gỗ làm cột nhà thường là cây gỗ to, được chặt vào mùa Đông để tránh mối mọt.

Đối với xà, quá giang có thể chọn các loại gỗ khác, nhẹ hơn, không cứng bằng gỗ làm cột, nhưng tuyệt đối không thể bị mối, mọt. Công việc khai thác và vận chuyển gỗ đòi hỏi sự liên kết của các cá nhân trong cộng đồng làng, bản. Chính trong quá trình chuẩn bị ấy, tinh thần tương thân tương ái, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng người Thái được thể hiện rõ nét.

Vợ chồng ông Thùng Văn Đôi, bản Nà Ín 2, xã Chà Nưa (Nậm Pồ ,Điện Biên) mỗi ngày vẫn đan lát, bảo tồn các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái dưới nếp nhà sàn
Dưới nếp nhà sàn, vợ chồng ông Thùng Văn Đôi, bản Nà Ín 2, xã Chà Nưa mỗi ngày vẫn đan lát và bảo tồn các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc

Theo ông Thùng Văn Đôi, bản Nà Ín 2, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ (Điện Biên): “Mỗi ngành dân tộc Thái, hay mỗi vùng miền sẽ có một thói quen dựng nhà riêng, nhưng về tổng thể kiến trúc, kết cấu ngôi nhà đều như nhau. Nếu nhà sàn của dân tộc Thái trắng có 4 mái phẳng, thì nhà của dân tộc Thái đen lại có mái khum khum hình mai rùa và có khau cút ở hai đầu mái nhà.

Dân tộc Thái quan niệm, con số may mắn phải là số lẻ, nên kết cấu nhà ở thường là nhà 3 gian hoặc 5 gian, nhà nào giàu thì 7 gian, tổng số cửa sổ và cửa chính cũng phải là con số lẻ. Hai cầu thang ở hai đầu ngôi nhà cũng là bậc lẻ 7, 9, 11 hoặc 13 bậc thang. Ngôi nhà được chia làm 3 tầng, tầng thứ nhất là gầm sàn dùng để chất củi, để nông cụ, tầng thứ hai là mặt sàn là nơi sinh hoạt của gia đình, tầng thứ 3 là gác trên là nơi cất giữ đồ vật quý”.

Những ngôi nhà sàn truyền thông xen lẫn nhà sàn hiện đại của bản Nà Sự, xã Chà Nưa (Nậm Pồ, Điện Biên) được công nhận là bản văn hóa du lịch của tỉnh
Những ngôi nhà sàn truyền thống xen lẫn nhà sàn hiện đại của bản Nà Sự, xã Chà Nưa (Nậm Pồ, Điện Biên) được công nhận là bản văn hóa du lịch của tỉnh

Ông Thùng Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ cho biết: Xã Chà Nưa có 6 bản, thì 5 bản là người Thái đã định cư từ rất lâu đời ở đây. Để thích ứng với sự phát triển của xã hội, những ngôi nhà sàn của dân tộc Thái cũng đang có nhiều thay đổi, thiết kế hiện đại, vật liệu đa dạng hơn, quan niệm về cách dựng nhà, sắp xếp không gian sinh hoạt cũng không còn nhất nhất theo lối cũ để phù hợp với cuộc sống mới. Tuy nhiên hiện nay, nhiều ngôi nhà truyền thống của người Thái xã Chà Nưa vẫn đang được bà con bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn…

"Chính quyền xã cũng thường xuyên tuyên truyền tới bà con, hạn chế sử dụng bê tông cốt thép vào xây dựng nhà sàn để bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của nhà sàn mà cha ông đã để lại”, Chủ tịch UBND xã Thùng Văn Ánh thông tin thêm

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.