Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ngộ độc rượu: Nỗi lo thường trực ở vùng cao

PV - 11:31, 22/02/2018

Với thói quen trong sinh hoạt của chúng ta là hay tổ chức ăn uống, liên hoan vào những dịp cuối năm, những ngày lễ Tết. Bên cạnh niềm vui trong buổi gặp gỡ, giao lưu, liên hoan, là nỗi lo về vấn đề ngộ độc thực phẩm; trong đó, ngộ độc rượu rất đáng báo động ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ám ảnh các vụ ngộ độc rượu

Cho đến giờ đây, hẳn nhiều người vẫn bàng hoàng trước vụ ngộ độc rượu tại ở bản Tả Chải, xã Ly Chải huyện Phong Thổ (Lai Châu) xảy ra trong những ngày Tết Nguyên đán Đinh Dậu (13/2/2017) làm 68 người mắc có 10 người chết.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Tấn, ở thôn 7, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình (Yên Bái) cũng kinh hoàng nhớ lại, trong ngày rằm tháng riêng năm 2017, anh được mời đi dự cơm. Trong bữa, chủ nhà đã mang rượu ngâm các loại cao, huyết lình và cả củ gấu tầu ra mời khách. Sau hớp rượu đầu tiên tê cứng lưỡi, anh nhận ra rượu có độc tố và kịp dừng lại. Mặc dù vậy, anh và 2 người khác vẫn phải đi cấp cứu và rất may đã qua khỏi. Cho đến bây giờ anh Tấn vẫn còn rất sợ rượu, bởi nếu đến viện chậm vài phút, không biết hậu quả sẽ đến đâu.

Nhiều sản phẩm rượu bia không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan. Nhiều sản phẩm rượu bia không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan.

 

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong giai đoạn 2013-2017, toàn quốc ghi nhận 862 vụ ngộ độc thực phẩm làm 24.954 người mắc, 22.213 người đi viện và 130 người chết. Trong đó, ngộ độc rượu ghi nhận 28 vụ, làm 193 người mắc, 179 người đi viện và 34 người chết. Số vụ chiếm 3,24% tổng số vụ ngộ độc, số mắc chiếm 0,77% tổng số mắc nhưng tử vong chiếm tới 26,15% tổng số tử vong do ngộ độc. Ngoài ra, đã ghi nhận một số trường hợp lẻ có tiền sử nghiện rượu uống cồn y tế gây ngộ độc bị tử vong và gây ra di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe như mù, rối loạn tâm thần.

Số mắc, chết, đi viện do ngộ độc rượu có xu hướng giảm dần từ năm 2013-2016, nhưng tăng đột biến vào năm 2017 với 10 vụ, 119 người mắc, 115 người đi viện, 11 người chết. Trong đó, số vụ ngộ độc do rượu nhiều nhất tại khu vực miền núi phía Bắc, chiếm 35,7% số vụ, chiếm 53,4% số mắc và 44,1% số chết.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), hiện ngộ độc do rượu trắng, rượu có hàm lượng methanol cao là 9/28 vụ, chiếm 32,1%; rượu ngâm thuốc lá chiếm 17,9%; rượu ngâm cây rừng độc là 11/28 vụ, chiếm 39,3%...; Riêng rượu có hàm lượng methanol cao gây ra 7 vụ ngộ độc, làm 106 người mắc và 23 người chết.

Cần xử lý mạnh tay

Thượng tá Bùi Đức Am, đại diện Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là rượu thủ công truyền thống diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Các vụ ngộ độc rượu vẫn xảy ra với tính chất và mức độ khác nhau, trong đó có nhiều vụ mang tính chất nghiêm trọng.

Thượng tá Am cũng cho hay, nguyên nhân của các vụ ngộ độc rượu xảy ra chủ yếu do đối tượng đã pha chế cồn công nghiệp có nồng độ methanol cao nhiều lần giới hạn cho phép, bán cho người tiêu dùng gây ngộ độc cấp tính. Bên cạnh đó, nhận thức của người tiêu dùng về tác hại, nguy cơ mất an toàn khi sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được nấu thủ công, rượu ngâm động vật, thực vật, không nhãn mác... còn hạn chế; nhất là tại các vùng cao và ở các nhóm nạn nhân có điều kiện kinh tế khó khăn.

Đáng lưu ý, theo quy luật, dịp Tết hàng năm, nhu cầu của thị trường về các mặt hàng thực phẩm trong đó có rượu luôn tăng cao. Vì vậy, các cơ sở sản xuất rượu trong nước sẽ tăng cường sản xuất, Tuy nhiên, vẫn có nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật gây nguy cao ngộ độc rượu cho người tiêu dùng. Trong khi đó, vấn đề xử lý các đối tượng này vẫn chưa thực sự chặt chẽ.

Điển hình như, tại Hà Nội, sau khi số người bị ngộ độc rượu gia tăng đột biến, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, tăng cường kiểm tra. Kết quả, kiểm tra 13.910 lượt cơ sở, niêm phong 118.445 lít rượu, 3.510 chai rượu các loại, 1.054 quả dừa có rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, cảnh cáo, xử lý 1.215 cơ sở, tiêu hủy 30.593 lít rượu không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, mới chỉ khởi tố hình sự 1 cơ sở sản xuất rượu Duy Hảo ở Thanh Oai, Hà Nội vi phạm không đảm bảo ATTP.

Trước những tác hại khủng khiếp từ rượu gây ra chúng ta cần phải xử lý nghiêm khắc, mạnh tay, kể cả đưa các vụ việc ra khởi tố xử lý hình sự. Có như vậy, ngộ độc rượu mới được quan tâm đúng mức, ngăn chặn kịp thời.

Trong giai đoạn 2013-2017, toàn quốc ghi nhận 862 vụ ngộ độc thực phẩm làm 24.954 người mắc, 22.213 người đi viện và 130 người chết. Trong đó, ngộ độc rượu ghi nhận 28 vụ, làm 193 người mắc, 179 người đi viện và 34 người chết. Số vụ chiếm 3,24% tổng số vụ ngộ độc, số mắc chiếm 0,77% tổng số mắc nhưng tử vong chiếm tới 26,15% tổng số tử vong do ngộ độc. “

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.