Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghịch lý thiếu-thừa đất sản xuất

PV - 10:11, 25/07/2018

Không giải quyết được đất sản xuất cho các hộ có nhu cầu, một phương án được các địa phương lựa chọn là hỗ trợ bà con chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nghề chưa thực sự tạo nguồn thu nhập mới cho người dân.

Giải quyết thiếu đất sản xuất bằng cách chuyển đổi nghề

Bài 5: Chưa phát huy hiệu quả

Định mức hỗ trợ thấp

Như kỳ báo trước đã phản ánh, ngày 20/7/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, đặt ra mục tiêu đến hết năm 2006 sẽ giải quyết cơ bản nhu cầu đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất. Nhưng hết thời hạn, mục tiêu này vẫn không đạt. Một trong những nguyên nhân là các địa phương không đủ quỹ đất để thực hiện.

Để tháo gỡ, cuối năm 2007, Quyết định 198/2007/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 134/2004/QĐ-TTg được ban hành. Một nội dung được bổ sung theo Quyết định này là đối với những hộ có nhu cầu đất sản xuất nhưng quỹ đất địa phương không còn thì được hỗ trợ vốn để chuyển đổi nghề (có thể mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ cho các hộ sản xuất nông nghiệp hoặc chuyển sang ngành nghề khác).

chuyển đổi nghề Chăn nuôi bò cũng cần có đất để trồng cỏ làm thức ăn. (Ảnh minh họa)

Đây là lần đầu tiên nội dung hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hộ DTTS nghèo thiếu đất sản xuất được đề cập. Chính sách này tiếp tục được quy định trong các quyết định hỗ trợ sau này, như: Quyết định 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/6/2008, Quyết định 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009; Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013,… Gần đây nhất là Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020.

Điều này thể hiện sự nhất quán, liên tục trong việc thực hiện mục tiêu hỗ trợ đồng bào DTTS nghèo không có (hoặc chưa có) đất sản xuất có điều kiện để có việc làm, tự tạo thu nhập. Tuy nhiên, một “điểm nghẽn” là định mức hỗ trợ hộ DTTS nghèo chuyển đổi nghề quá thấp.

Trong Quyết định 198/2007/QĐ-TTg không quy định định mức hỗ trợ. Đến Quyết định 1592/QĐ-TTg mới quy định cụ thể. Theo đó, hộ DTTS nghèo mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ cho các hộ sản xuất nông nghiệp hoặc vốn để làm các ngành nghề khác sẽ được ngân sách trung ương hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ và được vay vốn tín dụng tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ trong thời gian 3 năm với mức lãi suất 0%.

Định mức hỗ trợ này được duy trì đến năm 2013; sau khi có Quyết định 755/QĐ-TTg thì mức hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ làm dịch vụ cho các hộ sản xuất nông nghiệp hoặc vốn để làm các ngành nghề khác được nâng lên 5 triệu đồng/hộ. Đồng thời, các hộ DTTS nghèo có nhu cầu sẽ được vay vốn tối đa không quá 15 triệu đồng/hộ, thời gian vay 5 năm với mức lãi suất 1,2%/năm.

Sau khi Quyết định 755/QĐ-TTg hết hiệu lực (năm 2016), chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề tiếp tục được quy định tại Quyết định 2085/QĐ-TTg. Theo đó, giai đoạn 2017-2020, hộ DTTS nghèo có nhu cầu chuyển đổi nghề sẽ được hỗ trợ vốn, nhưng cũng không quá 5 triệu đồng/hộ.

Chưa phát huy hiệu quả

Vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề đã giúp nhiều hộ DTTS nghèo có thêm điều kiện để sản xuất. Nhưng do định mức thấp nên trên thực tế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, nhất là nội dung hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp mới chỉ giúp hộ nghèo đỡ vất vả hơn trong sản xuất chứ chưa thực sự tạo nguồn thu nhập mới cho họ.

Để làm rõ nhận định này thì phải xem xét giá trị của các loại máy móc, nông cụ làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp nằm trong danh mục quy định (máy móc nằm ngoài danh mục thì không được nhận hỗ trợ). Đó là các loại máy gặt, máy tuốt lúa, máy xay xát, máy cắt cỏ, máy thái rau, bình phun thuốc trừ sâu,…

Khảo sát giá thị trường thì trong các loại máy này chỉ có máy tuốt lúa thủ công (đạp bằng chân), máy thái rau, bình phun thuốc trừ sâu là có giá dưới 5 triệu đồng/máy. Còn máy cắt cỏ dao động từ 5,5-18 triệu đồng, máy xay xát thấp nhất cũng 9,8 triệu đồng.

Trong khi đó, hộ DTTS nghèo có nhu cầu mua sắm máy móc, nông cụ chỉ được hỗ trợ 5 triệu đồng; muốn mua máy nhiều tiền hơn thì phải bù vào. Các hộ gia đình đều thuộc diện hộ nghèo, hộ ĐBKK và thiếu đất sản xuất nên đa số đều chọn mua máy dưới 5 triệu đồng. Nhưng nếu sắm các loại máy có giá dưới 5 triệu đồng thì cũng chỉ có thể hỗ trợ thêm trong sản xuất, chăn nuôi, giúp người dân giảm bớt sử dụng sức người trong lao động chứ chưa giúp nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Đó là chưa kể có không ít trường hợp mua máy móc nông cụ (loại thủ công) nhưng không thể sử dụng do không phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Có thể dẫn trường hợp của gia đình anh Ngân Văn Thiết, ở bản Khổi, xã Tam Thái (Tương Dương, Nghệ An) làm dẫn chứng. Tháng 3/2015, gia đình anh được hỗ trợ mua sắm máy móc nông cụ để chuyển đổi nghề. Xuất phát từ nhu cầu và điều kiện kinh tế gia đình, anh chỉ mua một máy tuốt lúa thủ công với giá 800 nghìn đồng.

Nhưng từ khi mua về (tháng 3/2015) đến nay, máy tuốt của anh Thiết vẫn chưa một lần được sử dụng bởi gia đình không có đất để trồng lúa; nhiều gia đình trong bản cũng chỉ có một ít diện tích đất canh tác nên không có nhu cầu thuê máy tuốt lúa của anh. Cũng vì thế mà, dù đã nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề, vợ chồng anh vẫn phải rời quê đi làm thuê kiếm sống.

Vậy cả nước có bao nhiêu trường hợp như gia đình anh Ngân Văn Thiết? Hiện vẫn chưa có một cuộc điều tra, khảo sát nào được thực hiện để trả lời câu hỏi này. Nhưng rõ ràng, đây là vấn đề cần được làm rõ bởi chính sách hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp vẫn sẽ được thực hiện đến năm 2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg.

Làm rõ những hạn chế của việc hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ chuyển đổi nghề là rất cần thiết để thực hiện hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, dù hỗ trợ chuyển đổi nghề thì điều cốt lõi nhất vẫn là giải quyết đất sản xuất. Có máy móc, nông cụ nhưng không có đất thì sử dụng ở đâu? Chuyển sang nuôi bò, nuôi trâu nhưng không có một mảnh đất mà trồng cỏ thì lấy gì cho bò, cho trâu ăn?... Đất sản xuất vẫn là vấn đề mấu chốt. Nhưng giải quyết như thế nào?

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ chuyển tải nội dung này trong số báo tiếp theo.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.