Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghịch lý thiếu-thừa đất sản xuất

PV - 11:02, 13/07/2018

Từ năm 2014, Chính phủ đã chỉ đạo thu hồi một phần diện tích đất của các nông, lâm trường hoạt động không hiệu quả để giải quyết đất sản xuất cho người dân. Sau 4 năm triển khai, rất nhiều vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ.

Bài 2:Hệ lụy từ cách làm đối phó

Vì sao dân từ chối nhận đất?

Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc diện lớn. Theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê rừng của tỉnh Nghệ An thì tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 1,236 triệu ha. Tuy nhiên, gần 700 nghìn ha là do 4 ban quản lý rừng đặc dụng, 11 ban quản lý rừng phòng hộ và 11 công ty lâm nghiệp quản lý.

đất Giao đất từ các nông, lâm trường cho người dân còn gặp nhiều vướng mắc. (Ảnh minh họa)

 

Trong khi đó, theo rà soát sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 6.000 hộ thiếu đất sản xuất; hầu hết đều sinh sống ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Từ năm 2014, Nghệ An đã lên kế hoạch thu hồi 10.090ha của 11 công ty lâm nghiệp trả về cho địa phương để giải quyết đất sản xuất cho người dân.

Thế nhưng cho đến thời điểm này, tỉnh Nghệ An mới thu hồi được khoảng 20% diện tích theo kế hoạch (khoảng 2.062/10.090ha) của 5 công ty lâm nghiệp để giao cho các địa phương quản lý, sử dụng. Đáng chú ý, nhiều diện tích đất đã được thu hồi, bàn giao cho địa phương nhưng không thể giao cho dân vì dân… không muốn nhận.

Như ở huyện Quỳ Châu, trong 1.871,7ha đã thu hồi còn khoảng 220ha đất rừng tự nhiên, núi đá tại Tiểu khu 193 thuộc xã Châu Bình chưa thể giao cho người dân. Theo lãnh đạo UBND huyện Quỳ Châu, số diện tích đã có các quyết định của UBND tỉnh thu hồi chủ yếu là các khu vực xa khu dân cư, có địa hình hiểm trở nên người dân từ chối.

Còn ở huyện Quỳ Hợp, địa phương có diện tích đất lâm nghiệp phải thu hồi lớn nhất tỉnh Nghệ An (5.455,7ha), nhiều diện tích đất đã được các công ty lâm nghiệp trả về địa phương nhưng gần như vẫn tiếp tục bỏ hoang vì người dân từ chối nhận canh tác. Chỉ riêng tại xã Yên Hợp đã có trên 450ha được thu hồi là đồi núi cao, đá vôi, độ dốc lớn, đường sá đi lại khó khăn nên người dân không muốn nhận. Không thể chia cho dân, xã thống nhất giao cho cộng đồng thôn xóm quản lý.

Thiếu đất sản xuất là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói diễn ra

triền miên trong thời gian qua ở những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Nghệ An. Thực trạng này đúng như chia sẻ của ông Sầm Văn Cường, một người dân ở bản Đôm, xã Châu Phong (huyện Quỳ Châu) với phóng viên. Ông bảo: Nhà mình có 5 miệng ăn nhưng chỉ biết sống nhờ vạt nương nhỏ nơi bìa rừng gần nhà. Vì thế bắt buộc các con phải đi làm thuê ở nơi xa, cả năm chỉ về có một lần. Cái nghèo vẫn kéo dài mãi trong khi đất sản xuất không có để làm.Thu hồi đất: Tiến độ “rùa bò”

Cách đây 4 năm, Chính phủ đã có Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp lại các công ty nông, lâm trường; trên cơ sở đó rà soát lại quỹ đất để giải quyết đất sản xuất cho các hộ dân có nhu cầu. Nhưng sau 4 năm, việc thu hồi và giao đất vẫn gặp rất nhiều vướng mắc.

Nghịch lý nhất là, trong khi một số diện tích đã được thu hồi, giao cho người dân nhưng người dân không nhận vì quá xấu hoặc vị trí cách xa khu dân cư, giao thông đi lại khó khăn thì nhiều diện tích đất có thể canh tác lại bị “ngâm” một cách khó hiểu. Chỉ tính riêng tại Nghệ An, trong khoảng 20% đất lâm nghiệp đã thu hồi thì có hơn một nửa là đất mà người dân không muốn nhận; trong khi đó, hơn 8.000ha trong kế hoạch thu hồi vẫn bị “ngâm”.

Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở bởi mục tiêu của Nghệ An là sắp xếp 11 công ty lâm nghiệp để thu hồi hơn 10.090ha đất; nhưng đến cuối tháng 6/2018, tỉnh này mới hoàn tất việc phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới 5 công ty lâm nghiệp.

Không riêng Nghệ An mà ở nhiều địa phương khác, việc sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường cũng rất chậm. Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác đo đạc cắm mốc ranh giới giữa các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP (tổ chức tháng 1/2018), hiện đa số các địa phương mới xây dựng được phương án sử dụng đất, chỉ có 12/45 tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp. Các địa phương đều chưa phê duyệt phương án sử dụng quỹ đất bàn giao về địa phương.

Sự chậm trễ này đã tạo một kẽ hở rất lớn, tạo cơ hội cho các công ty lâm nghiệp trả về địa phương những diện tích đất xấu, khó canh tác, người dân không muốn nhận. Thậm chí còn gây thêm “phiền não” cho chính quyền các địa phương khi không ít công ty lâm nghiệp trả cho địa phương những diện tích đất xảy ra tranh chấp do chính người dân xâm lấn.

Tại xã Canh Liên (huyện Vân Canh, Bình Định) có hơn 600 hộ dân, nhưng hầu hết dân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Trong khi đó, chỉ riêng Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh đang quản lý, sử dụng 18.778ha rừng và đất rừng ở huyện Vân Canh; trong đó có 3.471,3ha đất công ty chưa sử dụng.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh đã bàn giao 3.471,3ha đất chưa sử dụng về cho xã Canh Liên quản lý. Tuy nhiên, trong 3.471,3ha này thì đã có tới 1.588,2ha đã bị dân đã xâm lấn khiến xã Canh Liên cũng như huyện Vân Canh “đau đầu” không biết chia, giao cho người dân như thế nào.

Thực trạng ở Canh Liên cũng xảy ra ở không ít địa phương đang triển khai sắp xếp lại các nông, lâm trường theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP. Điều này không chỉ làm các địa phương “bí” trong thực hiện mà cũng tạo ra một lỗ hổng để một số doanh nghiệp lập những dự án lâm nghiệp “ma”, mục đích chính là gom đất, gom rừng. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh vấn đề này trong số báo tiếp theo.

Nghịch lý nhất là, trong khi một số diện tích đã được thu hồi, giao cho người dân nhưng người dân không nhận vì quá xấu hoặc vị trí cách xa khu dân cư, giao thông đi lại khó khăn thì nhiều diện tích đất có thể canh tác lại bị “ngâm” một cách khó hiểu.

SỸ HÀO VÀ PV THƯỜNG TRÚ

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.