Tuy mới chính thức đam mê săn ảnh nghệ thuật từ năm 2010, nhưng anh đã gặt hái được khá nhiều thành công, với nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Trong đó có tác phẩm “Phơi” được chọn trưng bày triển lãm Cuộc thi ảnh nghệ thuật Quốc tế lần thứ 7 tại Việt Nam (10/2013).
Tôi gặp anh tham gia Trại sáng tác văn học nghệ thuật khu vực miền Trung và Tây Nguyên, do Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk). Anh nói, đây là lần đầu tiên được đặt chân lên vùng đất Tây Nguyên huyền thoại, nên rất phấn chấn, háo hức đi thực tế để săn được những bức ảnh ưng ý cả về bố cục, cảm xúc thẩm mỹ và ý nghĩa nội dung.
Có lẽ vì thế mà, khai mạc trại hôm trước thì hôm sau, tôi đã thấy anh vác máy hăng hái theo đoàn nhiếp ảnh khoảng 10 tay máy chuyên nghiệp đi về những buôn làng, những địa danh ở cách xa trung tâm TP. Buôn Ma Thuột để săn ảnh.
Sau mấy ngày lặn lội ở nhiều địa danh vốn nổi tiếng về cảnh đẹp thiên nhiên và giàu bản sắc văn hóa truyền thống của Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, anh đã thu vào ống kính của mình hàng trăm bức ảnh với những khoảnh khắc cảm xúc, góc nhìn không gian khác nhau.
Từ vô số những bức ảnh đã chụp trong 10 ngày ở Tây Nguyên, anh lựa chọn gần 10 ảnh để in ra trưng bày hôm bế mạc trại sáng tác như: “Hoài niệm”, “Thư giãn”, “Bội thu”... Qua những tác phẩm ấy, người xem cảm nhận thấy anh có một cái nhìn thật mới lạ, sâu sắc đầy tính nhân văn về con người và thiên nhiên Tây Nguyên.
Tôi đặc biệt tâm đắc với tác phẩm “Hoài niệm”, đó là hình ảnh hai người phụ nữ Ê-đê với mắt nhìn xa xăm ẩn chứa những nỗi niềm thật khó diễn đạt bằng lời, như sự hoài niệm có chút ngậm ngùi nuối tiếc về những gì đã thành dĩ vãng ở vùng đất Tây Nguyên huyền thoại này…
Trò chuyện với tôi, anh cho biết là một người theo nghề báo lâu năm, trong khi tác nghiệp chụp hình minh họa cho bài viết của mình thêm sinh động, anh thường chọn những góc chụp làm sao cho tấm hình vừa độc đáo về bố cục, góc độ, ánh sáng vừa toát lên được phần nội dung sâu sắc giàu biểu cảm.
Trong một dịp đi thực tế viết bài cho HTX nuôi trồng thủy sản Thắng Lợi, anh may mắn chụp được bức ảnh về “Thu hoạch cá” minh họa cho bài viết thật ưng ý. Dù là bức ảnh báo chí nhưng lại rất có tính nghệ thuật. Sau đó anh gửi ảnh dự Cuộc thi ảnh nghệ thuật của tỉnh, được giải Khuyến khích năm 2009 và giải Nhì báo chí của tỉnh. Rồi cũng bức ảnh “Thu hoạch cá” này anh gửi tham dự Cuộc thi ảnh báo chí toàn quốc và được chọn triển lãm.
Từ những thành công ban đầu này, anh em trong nghề nhiếp ảnh nghệ thuật tỉnh Kiên Giang đã khuyến khích động viên anh đi theo con đường nhiếp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp. Năm 2010, Danh Hiệp chính thức quyết định dấn thân vào con đường nhiếp ảnh nghệ thuật, với niềm đam mê cháy bỏng của một trái tim nghệ sĩ đích thực. Chỉ một thời gian ngắn những tác phẩm ảnh nghệ thuật của anh đã thực sự chinh phục người xem bởi ánh sáng đẹp, bố cục đẹp, góc nhìn đẹp và ý nghĩa nội dung sâu sắc.
Đó là tác phẩm “Vượt chiến hào”, thể hiện về hoạt động trò chơi của thanh niên, được giải Ba Cuộc thi ảnh xây dựng đời sống văn hóa tỉnh (2010). Đặc biệt là tác phẩm “Thành phố biển xanh”, chụp toàn cảnh khu lấn biển của TP. Rạch Giá (nhìn từ phía biển), được giải Nhì Cuộc thi ảnh nghệ thuật tỉnh năm 2012.
Có thể nói, đối với Danh Hiệp từ chụp ảnh báo chí đến chụp ảnh nghệ thuật là cả một bước tiến vượt bậc trong nghề cầm máy.
LƯƠNG ĐỊNH