Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Nam: Nỗ lực bảo tồn văn hóa Sán Dìu

Văn Hoa - 18:44, 18/07/2024

Những năm qua, phong trào bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc trở nên sôi nổi, góp phần nâng cao mức thụ hưởng văn hóa cho đồng bào DTTS. Có được những kết quả đó một phần lớn nhờ các nghệ nhân đã tâm huyết, nỗ lực phát huy tốt vai trò của mình, trong đó tiêu biểu là Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Trần Thị Nam.

Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Nam (thứ 3 từ phải sang) truyền dạy soọng cô cho thế hệ trẻ
Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Nam (thứ 3 từ phải sang) truyền dạy soọng cô cho thế hệ trẻ

Say mê soọng cô

Đối với cộng đồng dân tộc Sán Dìu, NNƯT Trần Thị Nam, sinh năm 1952, dân tộc Sán Dìu, thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên là gương mặt quen thuộc, là người đam mê soọng cô. Bà tích cực tham gia các chương trình giao lưu soọng cô ở các địa phương trong và ngoài tỉnh; tích cực sưu tầm và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho nhiều thế hệ tại địa phương như tiếng nói, chữ viết, làn điệu dân ca, phong tục tập quán…

NNƯT Trần Thị Nam chia sẻ: Từ nhỏ, bà đã được nghe mẹ, nghe các anh, chị, thanh niên trong xóm hát soọng cô. Những bài hát ru của mẹ, những bài hát về Bác Hồ, về tình yêu thiên nhiên, tình yêu nam nữ,… đã khiến bà yêu thích và thuộc nhiều bài hát soọng cô từ bao giờ không biết.

Năm 2013, CLB Soọng cô Trung Mầu được thành lập. Kể từ đó đến nay, bà Nam và các thành viên CLB đã dồn tâm sức nỗ lực hết mình để bảo tồn bản sắc văn hóa Sán Dìu. Theo lời bà Nam, đã có hàng trăm học viên được CLB truyền dạy hát soọng cô, sau đó dạy nói tiếng Sán Dìu.

Có một thời gian dài, trước nhịp sống hối hả, mọi người tập trung vào phát triển kinh tế, soọng cô dần bị mai một. Nhiều thanh niên không còn hát soọng cô mà chuyển sang hát nhạc trẻ, những loại hình âm nhạc mới du nhập từ nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ không còn biết nói tiếng dân tộc Sán Dìu. Do đó, bà vô cùng trăn trở, day dứt và luôn mong muốn thay đổi.

Trước thực trạng đó, những nghệ nhân dân gian, người có đam mê ca hát trong thôn đã bàn bạc với nhau và cùng thành lập câu lạc bộ (CLB). Năm 2013, CLB Soọng cô Trung Mầu được thành lập. Kể từ đó đến nay, bà Nam và các thành viên CLB đã dồn tâm sức nỗ lực hết mình để bảo tồn bản sắc văn hóa Sán Dìu. Theo lời bà Nam, đã có hàng trăm học viên được CLB truyền dạy hát soọng cô, sau đó dạy nói tiếng Sán Dìu.

Để các thành viên CLB có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về dân ca, về cách thức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bà Nam và CLB Soọng cô thôn Trung Mầu thường xuyên tổ chức các đoàn đi giao lưu với các CLB ở khắp các tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hà Nội; thường xuyên tham gia biểu diễn nhân các ngày lễ lớn của địa phương…

Một buổi sinh hoạt của CLB Soọng cô thôn Trung Mầu tại gia đình Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Nam
Một buổi sinh hoạt của CLB Soọng cô thôn Trung Mầu tại gia đình Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Nam

Giàu nhiệt huyết với văn hóa dân tộc

Theo bà Nam, trong quá trình triển khai truyền dạy soọng cô và dạy nói tiếng Sán Dìu cho các học viên nhỏ tuổi cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do gia đình các học viên ít giao tiếp tiếng Sán Dìu tại nhà, khiến các em mất đi cơ hội tiếp cận với ngôn ngữ dân tộc. Đặc biệt, nhiều phụ huynh nhận thức hạn chế, lo lắng con mình học tiếng Sán Dìu sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tiếng Việt hay những ngôn ngữ khác. Bên cạnh đó, kinh phí để duy trì hoạt động hầu hết do chính các thành viên trong CLB tự nguyện đóng góp; không có bộ tài liệu đầy đủ, khoa học…

Nhưng với lòng nhiệt huyết, trách nhiệm, các thành viên trong CLB đã và đang cố gắng khắc phục những khó khăn đó. CLB tự đóng góp kinh phí để sưu tầm, biên soạn tài liệu và in ấn phát miễn phí cho các học viên. Với bà Nam thì “niềm vui của các thành viên trong CLB là thấy được các cháu biết nói, biết hát soọng cô”. Đặc biệt, mọi hoạt động của CLB đều được cấp ủy Đảng, chính quyền xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên ủng hộ, quan tâm động viên, chia sẻ, nên mọi thành viên CLB đều nỗ lực cố gắng.

Với những đóng góp tích cực, có hiệu quả, bà Trần Thị Nam luôn được Nhân dân địa phương yêu quý, được cộng đồng người Sán Dìu trân trọng, yêu mến. Năm 2022, bà vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Mới đây, bà vinh dự được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng Bằng khen vì có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.