Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ nhân Ưu tú Phùng Thị Phương Hồng: “Gieo” đam mê ca trù cho giới trẻ

PV - 10:31, 08/03/2019

Nghệ nhân Ưu tú Phùng Thị Phương Hồng (1952) sinh ra tại Đan Phượng (Hà Nội), một trong những cái nôi của nghệ thuật hát ca trù. Với tình yêu lớn dành cho ca trù, nhiều năm qua, bà vẫn luôn âm thầm “thắp lửa” cho loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này. Nhờ sự tâm huyết của nghệ nhân, nhiều lớp học ca trù đã được mở ra và không ít ca nương tài năng đã ra đời.

Nghệ nhân Phùng Thị Phương Hồng là một trong những ca nương đến với ca trù như một cơ duyên. Trở về sau những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà được đề bạt làm Trưởng phòng Nghệ thuật của Sở Văn hóa-Thông tin Hà Tây (cũ). Trong quá trình công tác tại cơ sở, bà tình cờ gặp Nghệ nhân dân gian ca trù Nguyễn Thị Chúc trong một ngày hội làng tại thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Đan Phượng.

Sau khi lắng nghe cụ Chúc xướng một bài ca trù với từng lời như “rút ruột nhả tơ”, bà Hồng "phải lòng" ngay với làn điệu vừa gần gũi, vừa sang trọng này. Mạnh dạn ngỏ ý muốn theo học, bà được Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc kiểm chứng khả năng bằng cách hát một điệu chèo và ngâm một bài thơ cổ.

Nghệ nhân Phùng Thị Phương Hồng (người ngồi thứ hai bên phải) và các học viên Lớp học ca trù. Nghệ nhân Phùng Thị Phương Hồng (người ngồi thứ hai bên phải) và các học viên Lớp học ca trù.

Suốt 4 năm sau đó, bà Hồng miệt mài theo học Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc từng làn điệu, thể cách của ca trù, từ hát nói, hát miễu đến gửi thư, bắc phản... Ðể nâng cao và làm phong phú hơn kiến thức, kỹ thuật chuyên môn, bà còn tìm đến Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Thái Hà nổi tiếng của Hà Nội để "tầm sư học đạo", trau dồi cách chơi trống chầu, gõ phách, sưu tầm nhiều băng, đĩa của Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ, người nức tiếng với "giọng hát ca trù đẹp nhất trời Nam" để nghe và tự học.

Cứ thế, như một lẽ tự nhiên, từng làn điệu ca trù ngấm vào tâm hồn bà, trở thành mạch nguồn dạt dào tuôn chảy. Ðể rồi, không những thể hiện được nhuần nhuyễn, xuất thần tất cả làn điệu của ca trù, bà còn tự sáng tác thơ, đặt lời mới cho những làn điệu ca trù. Ðến nay, qua 20 năm gắn bó với ca trù, Nghệ nhân Phùng Thị Phương Hồng đã có hơn 15 bài hát do bà tự viết lời theo các làn điệu khác nhau như: hát liễu, hát nói, gửi thư,… được nhiều người yêu mến.

Bà Hồng cho biết: “Ca trù là một bộ môn nghệ thuật không đơn thuần mà nó vừa mang tính dân gian lại vừa mang tính bác học. Trước đây, ca trù vốn chỉ được biết đến với những lời thơ Nôm trìu tượng, đa nghĩa, nay đã được chuyển thể thành những lời thơ dễ hiểu, phản ánh chân thực cuộc sống hiện tại, mới thấy loại hình âm nhạc dân tộc sang trọng này có phần gần gũi và dễ tiếp cận hơn hẳn. Khi đã yêu, đã say ca trù, sẽ luôn khao khát được nhân rộng tình yêu ấy”.

Chính vì vậy, với đam mê được giới thiệu, lưu giữ và truyền dạy ca trù luôn cháy bỏng trong con người bà nên khi về hưu năm 2011, nghệ nhân Phương Hồng vẫn không quản ngại đường xa, đi đi lại lại giữa Nhà hát Chèo Hà Nam, CLB Ca trù Hà Cầu, Viện Dân tộc nhạc học Huế,… thậm chí đến tận nhà riêng của nhiều học sinh đam mê ca trù để truyền dạy.

Đến nay, bà đã “truyền lửa” cho hơn 150 học trò, trong đó có một số người xuất sắc và có thể truyền dạy lại như: NSƯT Lương Duyên (Nhà hát chèo Hà Nam), diễn viên Quế Vân (Ðoàn Nghệ thuật Tổng cục Hậu cần), ca nương Vương Hồng (CLB Ca trù Hà Ðông)...

Từ năm 2013, trở thành Chủ nhiệm CLB Ca trù của Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam), đảm nhận công tác đào tạo, bà Hồng càng có điều kiện để thực hiện đam mê, nhiệt huyết quảng bá và truyền dạy. Cùng với việc dạy ca trù tại các CLB, các đoàn thể trong và ngoài Hà Nội, bà vẫn đều đặn dạy ca trù tại Trung tâm vào chiều thứ 5 hằng tuần.

Bà Hồng cho biết: Những năm trở lại đây, ca trù đã được giới trẻ quan tâm hơn. Điều này đã được thể hiển qua việc nhiều ca nương trẻ tuổi đã đạt được nhiều giải cao trong các hội diễn, hội thi, liên hoan như: Minh Huế, 24 tuổi đã đạt 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc; Kép đàn Tạ Văn Hợi giải Nhì Hội diễn văn nghệ dân gian toàn quốc,…

Với sự cống hiến và những đóng góp của mình, năm 2006, bà Hồng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen; năm 2011, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian; năm 2015 được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.