Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nghệ nhân ưu tú A Thuih - Người nặng nợ với cồng chiêng

Phạm Nguyên - 16:12, 15/11/2022

Ngồi bên hiên nhà, đôi mắt sâu nhìn về những đứa trẻ trong làng diễn tấu thành thạo những bài chiêng, truyền thống của dân tộc Ba Na, già làng, Nghệ nhân ưu tú A Thuih không giấu được niềm vui. Ông cười nói: “Dường như tôi nặng nợ với cồng chiêng thì phải, nên không lúc nào tôi không nghĩ đến nó. Cứ rảnh là tôi đem cồng chiêng ra dạy cho lớp trẻ trong làng”.

Nghệ nhân ưu tú A Thuih chỉ dạy cho thanh niên cách diễn tấu cồng chiêng.
Nghệ nhân ưu tú A Thuih chỉ dạy cho thanh niên cách diễn tấu cồng chiêng.

Già làng, Nghệ nhân ưu tú A Thuih sinh ra, lớn lên ở làng Kon Trang Long Loi bên dòng sông Pô Kô huyền thoại, thuộc thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Đam mê với âm thanh của cồng chiêng, ngay từ thuở ấu thơ, A Thuih đã theo cha và các nghệ nhân trong làng học đánh cồng chiêng. Với tố chất sẵn có, năm 13 tuổi, A Thui đã biễu diễn thành thạo các bài chiêng truyền thống của dân tộc Ba Na.

Nghệ nhân ưu tú A Thuih giãi bày: Trước kia, làng Kon Trang Long Loi nằm ở sát bờ sông Pô Kô. Sau này khi Nhà nước làm thủy điện thì làng chuyển lên khu tái định cư này. Làng có 135 hộ với 800 nhân khẩu là người dân tộc Ba Na – nhánh Rơ Ngao. Do đời sống còn khó khăn nên có lúc, bà con không còn quan tâm đến cồng chiêng, múa xoang nữa. Lúc đó, tôi suy nghĩ không thể để giá trị văn hóa truyền thống mất đi, nếu mất đi thì mình có lỗi với các thế hệ đi trước. Năm 2015, tôi và vợ là Y Nhuih đã đứng ra huy động lớp trẻ trong làng đến nhà mình để dạy cồng chiêng, múa xoang cho chúng.

Được nuôi dưỡng từ mạch nguồn quê hương, được thừa hưởng khiếu âm nhạc từ cha, Nghệ nhân ưu tú A Thuih luôn sống hết mình với niềm đam mê văn hóa dân tộc. Lo lắng mai này lớp trẻ quên đi các loại nhạc cụ dân tộc, A Thuih tự tay chế tác nhiều loại nhạc cụ truyền thống của người Ba Na, như: Đàn ting ning, t’rưng, klông put, b’rưng… để trưng bày, và truyền dạy cho thế hệ trẻ. “Tôi nghĩ rằng, lớp trẻ bây giờ lo làm kinh tế, ít quan tâm đến nhạc cụ dân tộc. Không truyền dạy, không lưu giữ, sợ mai này trong làng, trong xã sẽ không còn ai biết chơi các loại đàn này. Ngay cả các điệu chiêng, nếu không truyền dạy cũng có nguy cơ bị thất truyền. Chính vì thế, tôi luôn dành thời gian và tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ”, Nghệ nhân ưu tú A Thuih chia sẻ.

Nghệ nhân ưu tú A Thuih, giờ đây, hầu hết thanh- thiếu niên trong làng Kon Trang Long Loi đã biết đánh cồng chiêng
Nhờ sự hướng dẫn, chỉ dạy của Nghệ nhân ưu tú A Thuih, giờ đây hầu hết thanh- thiếu niên trong làng Kon Trang Long Loi đã biết đánh cồng chiêng

Với sự dìu dắt của vợ chồng Nghệ nhân ưu tú A Thuih, giờ đây, hầu hết thanh- thiếu niên trong làng Kon Trang Long Loi đã biết đánh cồng chiêng, múa xoang. Em A Nhật ở làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà chia sẻ: “Em được già làng, Nghệ nhân ưu tú A Thiuh dạy đánh cồng chiêng rất nhiệt tình, chỉ bảo tỉ mẩn từng chút một về cách đánh, cách biểu diễn. Nếu không có già A Thuih thì em sẽ không biết đánh cồng chiêng. Từ sự chi dạy của già A Thuih, em cảm nhận được giá trị của cồng chiêng nên có ý thức hơn trong việc gìn giữ giá trị truyền thống của ông cha mình để lại”.

Em Y Hòa ở làng Kon Trang Long Loi chia sẻ thêm: “Lúc đầu khi đi học múa xoang, em và các bạn còn ngại, tự ti lắm. Nhờ vợ chồng Nghệ nhân ưu tú A Thuih tận tình chỉ dạy nên em và các bạn mới vượt qua được và biết múa như hiện nay. Giờ đây em cảm thấy rất vui, rất tự hào về giá trị văn hóa của dân tộc mình, em sẽ tiếp tục giữ gìn và tiếp tục tập và nghe lời ông bà để giữ gìn văn hóa đặc sắc này.

“Với những việc mà già làng, Nghệ nhân ưu tú A Thuih đã làm, bà con làng Kon Trang Long Loi rất tin tưởng và yêu quý ông. Giờ đây, bà con cùng nhau tham gia làm rượu ghè, dệt thổ cẩm, đan lát và phục dựng các lễ hội truyền thống, như: Lễ nước giọt, Lễ mừng lúa mớ”, ông A Yan ở làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà cho biết.

Vợ chông Nghệ nhân ưu tú A Thuih tận tình chỉ dạy thanh niên cách diễn tấu cồng chiêng.
Vợ chông Nghệ nhân ưu tú A Thuih tận tình chỉ dạy thanh niên cách diễn tấu cồng chiêng

Năm 2018, làng Kon Trang Long Loi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn thành lập Câu lạc bộ “ Văn hóa - dân gian” với 41 thành viên, trong đó có 5 Nghệ nhân ưu tú, 32 em là thanh- thiếu niên trong độ tuổi từ 9 đến 17 tuổi. Già làng, Nghệ nhân ưu tú A Thuih được giao trọng trách Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Năm 2021, UBND tỉnh Kon Tum công nhận làng Kon Trang Long Loi là làng du lịch cộng đồng. Đây chính là sự khẳng định những việc già làng, Nghệ nhân ưu tú A Thuih tâm huyết gây dựng bấy lâu nay là đúng. Dân làng tin, nghe theo già làng A Thuih là đúng và đó cũng là niềm vui lớn, là cơ hội để dân làng Kon Trang Long Loi giới thiệu những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc đến với du khách gần xa. 

Nghệ nhân ưu tú A Thuih hướng dẫn bà con cách biễu diễn các loại nhạc cụ truyền thống do mình chế tác.
Nghệ nhân ưu tú A Thuih hướng dẫn bà con cách biễu diễn các loại nhạc cụ truyền thống do mình chế tác.
Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.