Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ nhân Ưu tú A Huynh hồi sinh đàn đá

Ngọc Chí - 08:15, 29/10/2024

Từ niềm đam mê cháy bỏng với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, Nghệ nhân Ưu tú A Huynh (dân tộc Gia Rai) ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã không ngừng tìm kiếm, chế tác và biểu diễn thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, A Huynh là người đầu tiên ở tỉnh Kon Tum biết cách chế tác và chơi đàn đá, một trong những nhạc cụ thuộc bộ gõ cổ xưa nhất tại Việt Nam.

Nghệ nhân Ưu tú A Huynh là người có khả năng chế tác, chơi đàn đá và các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc.
Nghệ nhân Ưu tú A Huynh là người có khả năng chế tác, chơi đàn đá và các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2024, A Huynh trở về với cuộc sống đời thường. Những lúc nghỉ ngơi trên nương rẫy, A Huynh thường dùng những thanh đá nhỏ gõ vào nhau và nghe được âm thanh rất hay của những phiến đá. A Huynh liên tưởng đến lời cha kể về ngày xưa người Gia Rai thường dùng sức nước cùng với những thanh lồ ô để gõ vào đá tạo ra âm thanh đuổi thú, đuổi chim, bảo vệ mùa màng.

A Huynh tâm sự: Nghe âm thanh từ những phiến đá, tôi chợt nảy lên suy nghĩ sẽ tạo ra một bộ đàn đá. Tôi bắt đầu lặn lội ở suối Ia Lân, Ia Xiêr ở dãy núi Chư Tan Kra tìm các thanh đá lớn hơn và có độ dài khác nhau. Sau khi nhặt về, tôi cứ lặng lẽ một mình cùng với những viên đá ở trên nương rẫy, dùng búa gọt, dũa để tạo âm theo thang âm chuẩn từ bộ cồng chiêng của người Gia Rai.

Tìm được những viên đá cho phù hợp đã khó, cắt gọt từng viên để tạo ra đúng âm sắc, đúng nốt càng khó hơn. Khâu chỉnh âm rất quan trọng, đòi hỏi người nghệ nhân phải có đôi tai thẩm âm tốt và hơn hết đó chính là niềm đam mê bất tận với âm nhạc. Với đam mê của mình, A Huynh lại mày mò, cắt gọt làm nên bộ đàn đá độc đáo gồm 12 thanh.

Nghệ nhân Ưu tú A Huynh cẩn thận gọt các thanh đá để chỉnh âm cho giàn đàn đá.
Nghệ nhân Ưu tú A Huynh cẩn thận gọt các thanh đá để chỉnh âm cho giàn đàn đá

Nghệ nhân Ưu tú A Huynh chia sẻ: Cách chỉnh đàn đá nếu muốn có thanh âm cao thì gọt bỏ một đầu ngắn ra thì sẽ cao lên, còn trầm thì gọt chiều ngang sẽ trầm. Mình nghe cồng chiêng thế nào thì mình chỉnh theo thành một bộ đàn đá.

Sau bao năm mày mò chế tác, trong đợt Hội diễn nghệ thuật quần chúng ở huyện Sa Thầy năm 2009, A Huynh mạnh dạn đưa đàn đá lên sân khấu biểu diễn. Những làn điệu dân ca Gia Rai như: Hát tỏ tình, giao duyên, đối đáp, hát ru em được kết hợp với âm thanh của đàn đá đã làm cho tất cả những người có mặt trong đêm hội diễn ngỡ ngàng, bởi nó rất hay và lạ. Đàn đá của A Huynh ở làng Chốt cũng nổi tiếng từ đó.

Từ bấy đến nay, A Huynh đã làm được nhiều bộ đàn đá khác nhau. Đàn đá của A Huynh không chỉ được anh đem đi thi và diễn xướng ở khắp nơi mà còn thu hút cả sự chú ý của các chuyên gia âm nhạc tại Viện Âm nhạc và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tìm đến khảo sát, nghiên cứu.

Nghệ nhân Ưu tú A Huynh tìm những viên đá phù hợp để chế tác đàn đá.
Nghệ nhân Ưu tú A Huynh tìm những viên đá phù hợp để chế tác đàn đá

Đâu chỉ có đàn đá, A Huynh còn chế tác những cây đàn quen thuộc như Đinh pút, đàn Kní, đàn Tơ rưng. Để làm được tất cả các nhạc cụ, A Huynh phải dày công học hỏi và nghiên cứu từ những người già trong làng. Ngoài việc làm được các nhạc cụ dân tộc, A Huynh còn có thể chơi thành thạo, điêu luyện các nhạc cụ truyền thống do chính mình làm nên. Dù các nhạc cụ như Đinh pút, đàn Kní, đàn Tơ rưng rất khó đánh nhưng anh lại đánh rất hay, ngây ngất lòng người. Bởi vậy, nhiều người già, trẻ trong làng thường tìm đến nhà anh để nghe anh đánh đàn rồi học thêm cách đánh đàn. Chính vì thế ngôi nhà nhỏ của A Huynh luôn rộn ràng âm thanh các nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

Với những đóng góp quan trọng, năm 2015, A Huynh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú khi mới 33 tuổi vì có những cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.


Ông A Wich, làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy cho biết: Đàn đá, đàn Đinh pút, Ting ning, Tơ rưng do A Huynh chế tạo là sự kế nghiệp truyền thống của cha ông ngày xưa. A Huynh dạy cho thế hệ trẻ là tốt, để thế hệ trẻ biết được văn hóa truyền thống của dân tộc.

Em A Pheo, làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy chia sẻ: Chú A Huynh rất nhiệt tình chỉ dạy cho chúng con cách chơi đàn đá, đàn Ting ning, đàn Tơ rưng. Âm thanh của những loại nhạc cụ này rất hay và cuốn hút. Chúng con rất thích và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống này cho thế hệ mai sau.

Với niềm đam mê âm nhạc truyền thống, Nghệ nhân Ưu tú A Huynh đã và đang là sợi dây kết nối các giá trị văn hóa truyền thống của cha ông đến với thế hệ hôm nay. Những đóng góp của A Huynh trong quá trình giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc rất đáng trân trọng và ghi nhận.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào DTTS

Không chỉ là tấm gương mẫu mực trong làm kinh tế giỏi, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, trong thời gian qua, lực lượng già làng, trưởng thôn, Người có uy tín ở Quảng Nam đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi các hủ tục, tệ nạn, tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền của tỉnh.