Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Người có uy tín

Nghệ nhân, Người có uy tín Giàng A Cu: Tâm huyết gìn giữ tiếng khèn Mông nơi biên giới

Thuận Thanh - 16:48, 08/07/2024

Ở xã biên giới Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, nhiều người biết đến ông Giàng A Cu bởi ông là Nghệ nhân Ưu tú am hiểu và trình diễn khèn Mông điêu luyện. Ông Giàng A Cu còn là Người có uy tín của bản Huổi Lanh, tích cực tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, giữ vững an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.

Nghệ nhân Ưu tú Giàng A Cu (thứ 2 từ phải qua) tham gia trình diễn múa khèn cùng các nghệ nhân của huyện Mường Nhé tại một sự kiện văn hóa ở Hà Nội
Nghệ nhân Ưu tú Giàng A Cu (thứ 2 từ phải qua) tham gia trình diễn múa khèn cùng các nghệ nhân của huyện Mường Nhé tại một sự kiện văn hóa ở Hà Nội

Thuần thục trên 100 điệu khèn

Nghệ nhân Ưu tú Giàng A Cu sinh năm 1959, nhưng nhìn bề ngoài khó có thể đoán được tuổi của ông, bởi sự nhanh nhẹn, dẻo dai lúc ông múa khèn. Từ nhỏ, Giàng A Cu đã được tiếp xúc với tiếng khèn lúc trầm bổng, lúc dìu dặt, tha thiết, cùng những điệu múa khèn phóng khoáng của dân tộc mình trong những dịp lễ, Tết, hội làng... 

Mê tiếng khèn, nhưng phải đến năm 15 tuổi, Giàng A Cu mới chính thức học khèn từ người anh trai. Bởi: “Thanh niên Mông phải biết thổi khèn và múa khèn để chứng tỏ mình là một chàng trai Mông mạnh mẽ, cuốn hút và cũng để giao lưu với các cô gái Mông mỗi dịp chợ phiên, Tết hoặc hội Gầu tào. Đây là truyền thống rồi, ở đâu có thanh niên Mông thì ở đó có tiếng khèn”, ông Giàng A Cu tâm sự.

Được anh trai truyền dạy một cách bài bản từ cách cầm khèn, bấm lỗ, cách thổi nhiều bài khèn với nhiều thể loại khác nhau, sau một năm học, Giàng A Cu đã thành thạo cách thổi khèn, múa khèn. Ngoài giờ lao động, cứ có thời gian rảnh là ông lại thả hồn vào những âm điệu trầm bổng của tiếng khèn. Thế rồi vì say mê mà ông tiếp tục học khèn và tích lũy những hiểu biết về các điệu khèn.

Không chỉ đam mê thổi và trình diễn khèn Mông, Nghệ nhân Giàng A Cu còn truyền dạy cách thổi khèn cho con em người Mông ngay tại nhà mình. Ông đã tận tình hướng dẫn, chỉnh sửa cho các bạn trẻ từ động tác cầm khèn, cách điều tiết hơi đến động tác múa khèn và các điệu nhạc truyền thống của người Mông.

Để thực hành khèn nhiều hơn, ông theo anh trai tham gia thổi khèn, múa khèn trong nhiều nghi lễ, lễ hội của người Mông. Sau đó, ông được mời đi thổi khèn cho các đám ma, trình diễn khèn trong đám cưới, dịp vui Xuân, lễ hội, Tết Mông,... ở nhiều nơi. 

Ông không chỉ am hiểu về khèn mà còn giỏi múa và trình diễn điêu luyện khèn Mông với những động tác khó như nhảy đưa chân, đan chân, nhảy giật lùi, nhào lộn, vặn người, quay tại chỗ, lăn nghiêng... Niềm đam mê khèn đã giúp ông trở thành thầy khèn và được mọi người yêu mến. Đến nay, ông đã thuộc được trên 100 điệu khèn.

Với niềm say mê khèn Mông, ông Giàng A Cu thường xuyên tham gia nhiều chương trình văn nghệ của xã, huyện, tỉnh Điện Biên và giành được nhiều Giấy khen, Bằng khen của huyện, tỉnh, như: Giải A tiết mục múa đôi khèn Mông tại Liên hoan Tiếng hát Người Cao tuổi tỉnh Điện Biên lần thứ II năm 2016; giải A tiết mục múa khèn đơn trong Liên hoan Tiếng hát Người Cao tuổi tỉnh Điện Biên lần thứ III năm 2019…

Nghệ nhân Ưu tú Giàng A Cu (thứ 2 từ phải qua) cùng các nghệ nhân của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên lưu diễn tại Hà Nội
Nghệ nhân Ưu tú Giàng A Cu (thứ 2 từ phải qua) cùng các nghệ nhân của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên lưu diễn tại Hà Nội

Nghệ nhân Ưu tú, Người có uy tín tiêu biểu

Với những đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, ông Giàng A Cu được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân Ưu tú năm 2022.

Ông Giàng A Cu cho biết, cây khèn không chỉ là loại nhạc cụ do ông cha truyền lại mà còn là kết tinh văn hóa truyền thống của người Mông. Người Mông thường sống trên những đỉnh núi cao, trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Tuy vậy, trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Mông lúc nào cũng có tiếng khèn làm bạn. Thứ thanh âm của sự lạc quan, kiên cường và bền bỉ như cuộc đời của chính họ. Giữa đại ngàn núi đá, tiếng khèn gắn với họ trên mọi nẻo đường, là tiếng lòng của họ lúc tiễn biệt nhau về bên kia thế giới, lúc nhớ thương người yêu, lúc lên nương làm rẫy… 

Nhưng có lẽ thiêng liêng hơn cả là biết bao chàng trai, cô gái Mông đã dùng tiếng khèn để gặp gỡ, hò hẹn nên duyên vợ chồng. Tiếng khèn đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Mông ở Mường Nhé.

Không chỉ gìn giữ, phát huy nghệ thuật khèn Mông, ông Giàng A Cu còn là Người có uy tín của bản Huổi Lanh, xã Mường Toong. Với vai trò là Người có uy tín, ông tích cực trong việc vận động đồng bào tham gia các phong trào văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, tuyên truyền, vận động các gia đình, dòng họ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường giữ gìn sự đoàn kết làng xóm, giữ vững an ninh, trật tự ở khu vực biên giới. 

Tin cùng chuyên mục
Người có uy tín Châu Quầy- Một điển hình nông dân sản xuất giỏi

Người có uy tín Châu Quầy- Một điển hình nông dân sản xuất giỏi

Anh Trương Thành Lợi, Phó Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn Bỉnh Nghĩa cho biết, Người có uy tín Châu Quầy là điển hình nông dân sản xuất giỏi. Ông nêu gương gia đình khuyến học, khuyến tài tiêu biểu và tận tâm giúp đỡ bà con thôn xóm làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Người có uy tín Châu Quầy là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền trong việc tuyên truyền vận động đồng bào Chăm đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới.