Đôi tay tài hoa
Trong căn nhà tại làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy (Kon Tum) với đa dạng các loại nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân trẻ A Huynh đang say sưa chế tác, cảm nhận từng âm sắc trong veo của các loại đàn.
Trên tay anh đang cầm cây đàn Ting ning - loại đàn mà anh yêu thích và say mê nhất. Vừa chơi đàn anh vừa kể, ngay từ khi còn nhỏ, anh được làm quen với cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống của người Gia Rai. Rồi chẳng biết từ bao giờ, tình yêu với nhạc cụ dân tộc, với âm nhạc cứ lớn dần lên trong anh theo thời gian.
Hằng ngày, ngoài công việc chính là lên nương làm rẫy, anh còn dành thời gian cho việc sáng tác nhạc, chế tác nhạc cụ, lưu giữ những giá trị văn hóa của đồng bào mình. Không chỉ bảo tồn cồng chiêng, A Huynh còn mày mò chế tác và sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống như ting ning, T’rưng, sáo, K’ní…; sưu tầm và hát những bài dân ca, tạc tượng gỗ, chế tác và biểu diễn đàn đá.
Nhờ năng khiếu âm nhạc cùng đôi bàn tay khéo léo, nên A Huynh đã tự mày mò, sáng chế ra nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Mỗi loại nhạc cụ lại mang một màu sắc riêng, đậm dấu ấn của người nghệ nhân trẻ.
A Huynh cho biết, đàn ting ning là loại đàn được làm từ các vật liệu đơn giản như ống nứa, thanh tre, gỗ, dây kẽm, dây mây, quả bầu khô, song đòi hỏi khả năng kết hợp khéo léo của người chế tác. Ting ning không dễ chơi, vì phải sử dụng cả hai tay để bấm trên “phím đàn”.
“Với đàn T’rưng, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Để làm được đàn T’rưng, người làm phải biết cảm âm và khéo tay, tương tự như một người biết chỉnh cồng chiêng. Thời gian để hoàn thành 1 cây đàn T’rưng là hơn 3 tháng”, A Huynh nói.
Ngoài các nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa, với A Huynh, đàn đá chính là “báu vật”. Những phiến đá thô mộc, vô tri, thế nhưng qua bàn tay khéo léo và bằng nhạc cảm tinh tế của anh, đã thành giàn hòa âm đặc sắc, mới lạ, cuốn hút.
Một bộ đàn đá thường có 3 - 15 thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau, được ghép lại để tạo ra những giai điệu âm thanh trầm bổng, thánh thót như tiếng suối chảy. Tiếng đàn đá như thay cho lời kể, niềm an ủi, lúc vui, lúc buồn trong cuộc sống của người dân địa phương nơi đây.
“Truyền lửa” đam mê
Trước thực tế, các nhạc cụ của đồng bào DTTS ở Việt Nam đang ngày càng bị mai một, trong khi những người biết chế tác và sử dụng các nhạc cụ này thì còn lại rất ít.
Với mong muốn gìn giữ và lan tỏa niềm say mê, sáng tạo văn hóa dân gian đến thế hệ trẻ, thời gian qua, A Huynh đã tập hợp các thanh thiếu niên ở làng Chốt để truyền dạy diễn xướng cồng chiêng, đàn hát dân ca và chỉ dẫn chế tác một số nhạc cụ dân tộc.
“Trong làng hiện nay có 3 đội cồng chiêng vừa biết chơi cồng chiêng, vừa sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc khác. Tuy nhiên, loại đàn K’ni và đàn ting ning thì mọi người ít chơi, có nguy cơ bị lãng quên. Loại đàn này thường được dùng để đệm khi hát dân ca, hay diễn xướng sử thi nên mình cố gắng để duy trì, truyền dạy cho lớp thanh niên học”, A Huynh chia sẻ.
Với những đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, năm 2015, A Huynh đã được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú.
“Người làng rất yêu mến và ủng hộ A Huynh. Nhờ có ngọn lửa đam mê với âm nhạc truyền thống trong A Huynh luôn bùng cháy mà những âm thanh của đàn đá, ting ning, K’ní, T’rưng… vẫn vang mãi nơi núi rừng Tây Nguyên”, anh A Ken Trưởng thôn làng Chốt nói về A Huynh.