Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghề dệt thổ cẩm ở Trà Cang có nguy cơ thất truyền

PV - 09:05, 31/10/2018

Chúng tôi đến thôn 4, xã Trà Cang, huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) khi người dân trong thôn đang bận rộn vào mùa thu hoạch quế. Dù vậy, hàng ngày bà Trần Thị Hoa (68 tuổi) vẫn tranh thủ dành thời gian ngồi bên khung dệt, bởi bà rất tâm huyết với nghề truyền thống của người Xơ-đăng.

Trong ngôi nhà sàn, vừa dệt, bà Hoa vừa giới thiệu cho chúng tôi từng bộ phận của khung dệt và cách dệt thổ cẩm. Bà cho biết: Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Xơ-đăng còn được bà con gọi là nghề dệt dồ. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã phải theo mẹ, theo bà để học dệt vải, lúc lớn lên thì thay mẹ dệt vải cho gia đình. Ban đầu, mình tự mày mò học dệt, sau đó được mẹ dạy cho những bước cơ bản, thành quen tay, giờ lớn tuổi rồi, mắt kém hơn nhiều nhưng tay vẫn cứ thành thói quen nên công việc dệt dồ chẳng có gì khó khăn với mình nữa.

Bà Trần Thị Hoa đang say sưa bên khung dệt. Bà Trần Thị Hoa đang say sưa bên khung dệt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để dệt một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh, có kích thước 0.8m x 3m phải mất khoảng 8 đến 9 ngày liên tục. Thế nhưng, giá trị về kinh tế của các sản phẩm không cao. Nếu bán khoảng 1 triệu đồng. Tiền công thấp, đầu ra của sản phẩm lại không ổn định. Đa số phụ nữ Xơ-đăng giờ đã bỏ nghề vì nhu cầu sử dụng thổ cẩm dệt ngày càng ít. Những người biết dệt cùng lứa tuổi như chị Hoa ở trong thôn, trong xã hiện giờ đã không còn nhiều.

Trước đây, trong thôn có hàng chục phụ nữ thường xuyên dệt thổ cẩm. Bà con tranh thủ những lúc nông nhàn dệt những tấm vải, may váy, áo, tấm choàng cho những người trong gia đình sử dụng mỗi khi có lễ hội truyền thống, đi chơi thăm bà con, anh em, họ hàng ở các vùng khác. Khi con gái Xơ-đăng về nhà chồng đều phải có bộ trang phục thổ cẩm do chính tay mình dệt và cũng là điều nhắc nhở con cháu không được quên nghề truyền thống.

“Trong thôn giờ chỉ còn hai người thỉnh thoảng còn dệt, nhưng nhìn chung chỉ dệt những tấm vải bình thường, còn dệt những tấm vải có họa tiết với những hoa văn trên tấm vải thì họ lại không làm được. Bà con trong thôn ai có nhu cầu đến nhà đặt dệt thì tôi mới nhận làm, nhưng tiền công dệt ít lắm, không bằng đi làm những việc khác”, bà Hoa cho biết.

Thỉnh thoảng, bà Hoa cũng đem một số sản phẩm dệt đi trao đổi, bán ở các xã khác. Do sợi dệt đắt, công dệt nhiều nên tính ra thu nhập hằng ngày rất thấp, có người rất thích nhưng không có tiền mua, họ đổi thổ cẩm chủ yếu bằng heo, gà.

Theo bà Hoa, dệt dồ không khó nhưng cần sự tỉ mỉ, nếu không có niềm đam mê thì không làm được. Khó nhất ở chỗ tạo hoa văn, đòi hỏi người dệt phải có trí nhớ cũng như sự tưởng tượng phong phú. Trước đây, người dân trong thôn chủ yếu mặc thổ cẩm truyền thống, nên nghề này rất thịnh hành; nhà nào cũng có khung dệt. Hiện nay, nhu cầu bà con về mặt hàng thổ cẩm ngày càng ít, nên ngày càng ít người học và gắn bó với nghề dệt dồ. Thế hệ trẻ bây giờ gần như không đủ kiên nhẫn để học nghề này. Các cháu cũng không có sự cẩn thận, khéo léo như phụ nữ thời chúng tôi.

“Tôi rất yêu nghề, vẫn giữ thói quen dệt dồ để ai có nhu cầu mua thì bán, hoặc giữ cho con cháu dùng dần cũng là để giữ gìn nghề truyền thống của người Xơ-đăng. Tôi mong các cấp chính quyền tạo điều kiện mở nhiều lớp dạy dệt thổ cẩm hơn để nghề dệt dồ này không bị mai một”, bà Hoa trăn trở.

Theo ông Trần Xuân Mố, Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết: Thời gian qua, để duy trì và phát triển nghề dệt dồ, chúng tôi đã khuyến khích các gia đình, tiếp tục truyền nghề cho con em, thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, trong các dịp lễ hội, Ngày hội Đại đoàn kết, chúng tôi lồng vào đó tổ chức các hội thi, hội diễn, tạo cơ hội cho chị em tham gia nâng cao tay nghề dệt dồ và để nhiều người biết.

“Tuy nhiên, để gìn giữ và phát huy các sản phẩm từ nghề dệt dồ truyền thống của người Xơ-đăng ở xã Trà Cang, rất cần sự hỗ trợ tích cực của nhiều ban, ngành chức năng chứ không riêng gì chính quyền”, Chủ tịch xã Trà Cang nói.

NGUYỄN VĂN SƠN

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.