Thưa ông Lương Thanh Hải, vùng miền núi, dân tộc Nghệ An luôn đóng vai trò quan trọng trong sự ổn định, phát triển chung của tỉnh. Vậy những năm qua, công tác chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với thực hiện các chính sách dân tộc được triển khai thế nào, thưa ông?
Nhận thức rõ vị trí của miền núi và vấn đề dân tộc có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ quốc phòng-an ninh của cả tỉnh nên Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã chỉ đạo các cấp, ngành cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Nhà nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Bên cạnh đó tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản, thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành, quản lý nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc…
Sự phối hợp của chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện các chương trình đề án, dự án, chính sách… trên các lĩnh vực đã góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi và vùng DTTS sinh sống..
Ông có thể cho biết, giai đoạn 2014-2019, hiệu quả của các chính sách dân tộc đã tác động như thế nào đến kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi?
Trong thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2014-2019 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với tổng nguồn vốn huy động thực hiện công tác giảm nghèo vùng DTTS và miền núi là 10.030 tỷ đồng, công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới được triển khai và thực hiện có hiệu quả, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, các dân tộc, các nhóm dân cư.
Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt khoảng 29 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình hằng năm từ 3-4%. Trong phát triển nông, lâm, ngư nghiệp đã hình thành nhiều vùng tập trung trồng các loại cây và nuôi các loại con có giá trị kinh tế cao. Hiện nay có 227 Hợp tác xã kiểu mới liên kết với các doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Trên địa bàn miền núi, vùng DTTS cũng có 5 khu công nghiệp, thu hút 106 dự án đã tạo nguồn thu nhập nhập đáng kể và tạo việc làm cho gần 3.000 lao động địa phương. Bên cạnh đó, trên địa bàn cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm tiếp tục được đầu tư đáp ứng nhu cầu cuộc sống Nhân dân…
Tính đến 31/12/2018 đã có 64 xã, 97 thôn, bản đạt chuẩn NTM.
Theo ông, để vùng DTTS và miền núi của tỉnh phát triển nhanh, bền vững cần giải pháp gì?
Trong thời gian tới cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ và có hiệu lực quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị xã hội về công tác dân tộc trong tình hình mới; Tăng cường nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS, tuyên truyền các chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước để đồng bào thực hiện.
Đồng thời, triển khai đồng bộ và bố trí các nguồn lực đầu tư để thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc; Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS nghèo; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh nhằm thực hiện một cách có hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc mà Đảng và Nhà nước đã đề ra…
Xin cảm ơn ông!
MINH THỨ