Vừa kết thúc chuyến ra khơi dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa trở về, ngư dân Phạm Ngọc Sơn ở xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu phấn khởi cho biết: Chuyến ra khơi lần này, trừ chi phí nhân công, xăng dầu… tàu của anh thu lãi hơn được 100 triệu đồng. Từ tết đến nay, ngư dân ở Tiến Thủy trúng đậm nhiều mẻ cá ở các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều chủ tàu nhờ các ngư trường này mà có tiền để nâng cấp tàu thuyền cũng như đảm bảo cuộc sống gia đình..
Cũng theo anh Sơn, thời gian vừa qua, ở các ngư trường này luôn xuất hiện nhiều tàu lạ đến quấy phá việc đánh bắt của ngư dân. Có nhiều tàu không treo cờ, lợi dụng đêm tối cố tình đâm, va và phá lưới cụ của nhiều tàu ngư dân…Vẫn biết là nguy hiểm thế, nhưng ngư dân đã đoàn kết lại thông báo cho các tàu ở khu vực lân cận đến tiếp sức để đuổi tàu lạ ra khỏi ngư trường của ta.
“Không ai bảo ai, khi đã nổ máy ra khơi, thì các tàu thuyền luôn đoàn kết và có trách nhiệm, chia sẻ thông tin, sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. Việc ra khơi đánh bắt cá không chỉ là mục đích đem lại nguồn thu mà còn làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, đó là trách nhiệm của mỗi ngư dân chúng tôi”, anh Sơn nói.
Cũng như anh Sơn, gia đình ngư dân Nguyễn Tiến Hoàng ở Tiến Thủy có truyền thống đi biển bao đời nay. Ngày trước do khó khăn, anh chỉ sắm được chiếc tàu nhỏ 110CV để đánh bắt thủy hải sản gần bờ. Sau thời gian chắt góp cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, anh đã đóng tàu trị giá 10 tỉ đồng với công suất 820CV. Từ đó sản lượng khai thác gấp 2-3 lần so với trước, trung bình khoảng 200 tấn/năm. 12 thuyền viên làm công cho anh cũng có thu nhập từ 8-12 triệu đồng/người/tháng. Anh Hoàng cũng tiết lộ rằng: Đánh bắt cá ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa cho sản lượng và thu nhập cao nhưng cũng thường xuyên phải đối diện với rủi ro, nguy hiểm. Mới đây tàu của ông Bình đánh bắt ở ngư trường này đã bị tàu lạ đâm vào, nhờ các tàu ứng cứu xua đuổi tàu lạ nên tàu ông Bình được an toàn.
Điều ghi nhận là, sự đoàn kết của ngư dân đã tạo nên sức mạnh trên biển. Ông Nguyễn Văn Ước, Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy cho biết: Trên 80% người dân xã Tiến Thủy bám biển. Ngoài khai thác, các dịch vụ hậu cần nghề cá cũng rất phát triển. 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng khai thác đạt trên 11.000 tấn với giá trị trên 170 tỷ đồng.
Để tiếp sức cho ngư dân bám biển, UBND tỉnh Nghệ An đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản nên số lượng tàu đánh bắt xa bờ tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng, cường lực khai thác được nâng lên. “Hỗ trợ ngư dân là việc làm cần thiết để ngư dân yên tâm bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.
MINH THỨ