Đến thời điểm hiện nay, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng về điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên, với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2019-2020. Không chỉ ở các trường ở khu vực thành thị mà ở khu vực nông thôn, miền núi, kể cả những điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, các cấp ngành liên quan đang nỗ lực để có một ngày hội khai trường chu đáo, an toàn.
Bước vào năm học mới 2019-2020, cùng với việc nâng cấp, tu sửa cơ sở vật chất thì ngành Giáo dục cả nước đã tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế được xác định là “điểm nghẽn”, nhất là tình trạng thiếu giáo viên mầm non cục bộ. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2018-2019, Bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng, Bộ Chính trị giao bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên.
Với sự chuẩn bị chu đáo đó, Bộ GD&ĐT đã thống nhất tổ chức Lễ khai giảng năm học 2019-2020 trên cả nước vào buổi sáng 5/9. Chương trình khai giảng có các nghi thức đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước; có thể tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện nhà trường và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh để tạo không khí vui tươi, phấn khởi của Ngày Khai giảng năm học mới-Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
Nhưng mới đây, ngày 02/9/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có công điện khẩn gửi Sở GD&ĐT, trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm và các đơn vị trực thuộc Bộ tại các tỉnh, thành phố khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên về việc phòng chống mưa bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Một trong những nội dung công điện được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu là những cơ sở giáo dục đang nằm trong ảnh hưởng hai áp thấp nhiệt đới có thể linh hoạt tổ chức ngày khai giảng để bảo đảm an toàn.
“Giám đốc các sở, hiệu trưởng các trường trực tiếp chỉ đạo, điều động cán bộ, giáo viên tổ chức túc trực, kiểm tra sẵn sàng ứng phó và phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác ứng phó bão lũ. Nhà trường cũng cần lên phương án vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp cho khai giảng năm học mới, xem xét lùi ngày khai giảng nếu chưa an toàn…”, công điện nêu rõ.
Yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc có thể xem xét lùi ngày khai giảng ở một số cơ sở giáo dục là hoàn toàn cần thiết để bảo đảm an toàn cho học sinh. Bởi theo thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương ngày 3/9 cho thấy, hiện có hai áp thấp nhiệt đới, một trên đất liền và một trên biển Đông. Trong đó, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông hiện đã suy yếu thành một vùng áp thấp và dự kiến tiếp tục suy yếu thêm trong 24 giờ tới. Ảnh hưởng của hai áp thấp đã và đang tiếp tục gây mưa lớn tại nhiều địa phương đến ngày 5/9.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An chia sẻ kinh nghiệm: “Thường sạt lở, lũ quét sẽ xảy ra một, hai ngày sau mưa lớn, cũng đúng vào dịp khai giảng năm học mới. Điều này có thể ảnh hưởng đến cơ sở vật chất của các trường và việc đi lại của học sinh. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị chủ động lên phương án dự phòng để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Đây cũng là nguy cơ có thể xảy ra ở các huyện miền núi của các địa phương chịu ảnh hưởng bởi áp thấp như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi,... cho đến các tỉnh Tây Nguyên. Vì vậy, các địa phương cần khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, tình hình mưa lũ, kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra. Đối với ngày khai giảng năm học mới cần phải chủ động, linh hoạt trong khâu tổ chức, yêu cầu trên hết là bảo đảm an toàn cho học sinh trong Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
TÙNG NGUYÊN