Hơn một tháng kể từ khi cơn bão số 3 đi qua, rốn lũ Văn Chấn (Yên Bái) vẫn còn nhiều ngổn ngang. Thế nhưng, nhờ sự tích cực, chủ động của địa phương, đa phần công tác khắc phục hậu quả bão lũ đã hoàn thành, đời sống của người dân dần ổn định.
Trận lũ kinh hoàng hồi tháng 7 đi qua, thôn Bản Tủ, xã Sơn Lương (Văn Chấn) có hàng chục ngôi nhà bị ảnh hưởng, 12 giếng nước bị ngập, hệ thống đường ống dẫn nước từ khe đầu nguồn bị hư hỏng hoàn toàn… Khi cơn lũ đi qua, ngay lập tức, các cán bộ y tế được cử đến địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân vệ sinh phòng bệnh, chủ động rà soát, phun khử trùng tiêu độc môi trường cho các gia đình bị ảnh hưởng; Giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời, tổ chức điều trị, xử lý các dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với mục tiêu lớn nhất là đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Theo chị Phạm Thị Thanh, cán bộ y tế thôn Bản Tủ cho biết, khi cơn lũ đi qua, ngành Y tế đã tiến hành phun khử trùng tiêu độc môi trường cho toàn bộ các gia đình trong thôn, khử trùng giếng nước bằng Cloramin B, vận chuyển nước từ thị trấn Nông trường Liên Sơn cho nhân dân dùng tạm, đồng thời khuyến cáo không sử dụng nước ở các khe, lạch.
Không chỉ tại Bản Tủ, các khu vực bị ảnh hưởng khác cũng được Sở Y tế Yên Bái cử cán bộ đến bám sát địa bàn, thực hiện nghiêm chế độ thường trực cấp cứu 24/24, đảm bảo phục vụ chu đáo chăm sóc sức khỏe cho người dân. Theo đó, lãnh đạo Sở Y tế cùng 2 đội cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã trực tiếp có mặt ở nơi bị lũ lụt để chỉ đạo, hướng dẫn, trợ giúp y tế cơ sở khắc phục hậu quả.
Bà Lê Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết, công tác y tế khắc phục hậu quả bão lũ đã được triển khai nhanh chóng và hoàn thành đảm bảo vệ sinh môi trường, nguồn nước sinh hoạt và ổn định cuộc sống nhân dân. Hơn 3 nghìn nhà được xử lý phun Cloramin B, hơn 2 nghìn giếng nước được khử trùng bằng chất hóa học, bổ sung kịp thời 65 nghìn viên Cloramin B cho Trung tâm Y tế các địa bàn bị lũ ảnh hưởng. Sở Y tế Yên Bái cũng đã phát động ủng hộ người dân bị thiệt hại do mưa lũ với số tiền hơn 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo bà Vân, Yên Bái là tỉnh miền núi, có địa hình dốc, giao thông đến các vị trí rốn lũ gặp nhiều khó khăn dẫn tới việc tiếp cận và vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế, xử lý môi trường, dịch bệnh còn chậm. Cán bộ y tế không thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về sơ cấp đuối nước, chấn thương, tai nạn có thể xảy ra trong mưa bão và lũ quét…
“Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục xử lý những hậu quả mà bão lũ để lại, không để bùng phát dịch bệnh tại các địa phương, đặc biệt là sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, Sở sẽ thường xuyên tập huấn cán bộ y tế về công tác phòng chống, cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ…”, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định.
Với việc chủ động làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh phát sinh sau lũ của ngành Y tế tỉnh Yên Bái đã cơ bản đảm bảo được sức khỏe cho người dân sau thiên tai bão lũ.
HOÀNG QUÝ