Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Như Thanh: Nhiều khuất tất cần làm rõ

PV - 15:34, 04/06/2018

Vừa qua, Báo Dân tộc và Phát triển nhận được đơn thư của ông Quách Văn Dân (dân tộc Mường, thôn 5, xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa). Trong đơn, ông Dân phản ánh, ông dùng trích lục đất thế chấp cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Như Thanh, tuy nhiên sau khi trả nợ xong cho ngân hàng, ông rút trích lục đất về thì phát hiện mảnh đất của ông đã bị chuyển nhượng 182m2 đất?!.

Mảnh đất 182m2 được ông Dân cho rằng bị mất trong thời gian “thế chấp” trích lục tại ngân hàng. Mảnh đất 182m2 được ông Dân cho rằng bị mất trong thời gian “thế chấp” trích lục tại ngân hàng.

 

Mất đất sau khi thế chấp trích lục cho ngân hàng

Theo ông Quách Văn Dân ngày 1/5/1998, gia đình ông được UBND huyện Như Thanh cấp một trích lục đất với 2.623m2. Trong đó, gồm 400m2 đất ở lâu dài, số còn lại là đất vườn tạp và đất nông nghiệp.

Do điều kiện kinh tế khó khăn, ông đã dùng trích lục đất trên thế chấp cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Như Thanh. Đến năm 2011, sau khi trả xong nợ ngân hàng, ông rút trích lục về thì phát hiện, mảnh đất của mình bị chuyển nhượng 182m2 mà chính ông không hề hay biết.

Cụ thể, trong trích lục ghi vào năm 2003, ông Dân chuyển nhượng cho bà Dương Thị Luyện (người cùng xã) 182m2 đất ở. Hiện, bà Luyện đã làm được trích lục phần đất này mang tên bà.

baodantoc_dat2

 

Tuy nhiên, ông Dân khẳng định, thời điểm đó, trích lục của ông vẫn “cắm” ở Ngân hàng nên không thể chuyển nhượng được. Ông Dân bức xúc nói: “Từ khi thế chấp trích lục cho đến lúc lấy ra, tôi chưa hề rút trích lục ra lần nào. Không hiểu người ta làm thế nào mà có thể lấy được đất của tôi. Vô lý hơn, tại sao trích lục của tôi ở trong ngân hàng mà họ có thể lấy để đi sang nhượng đất, làm được trích lục mới”.

Bị mất đất một cách vô lý, 7 năm qua, ông Dân đều làm đơn gửi các cấp chính quyền địa phương và ngân hàng nhưng không nhận được trả lời. Và thời điểm này, vợ chồng bà Luyện lại thỏa thuận hỗ trợ gia đình ông Dân 50 triệu đồng nhưng ông Dân không đồng ý.

Lý giải về số tiền hỗ trợ trên, ông Trần Văn Nhân, chồng của bà Luyện cho biết: “Việc gia đình tôi thỏa thuận hỗ trợ cho gia đình ông Dân 50 triệu đồng là do tình làng nghĩa xóm chứ không phải tôi sai mà tôi hỗ trợ?!”.

Nói về vấn đề này ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Xuân Du xác nhận: “Xã đã mời gia đình ông Dân và gia đình ông Nhân (thời điểm này bà Luyện đã mất) lên hòa giải. Thế nhưng, cho đến nay việc hòa giải vẫn không thành”.

Đáng nói, kiểm tra hồ sơ chuyển nhượng đất cho gia đình bà Luyện lưu tại Phòng Tài nguyên môi trường huyện Như Thanh thì có đơn xin chuyển nhượng đất, tờ khai nộp thuế do ông Dân đứng tên ký. Tuy nhiên, ông Dân khẳng định mình không hề ký tên vào 2 giấy tờ này.

Để xác minh thông tin, phóng viên đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa. Tại buổi làm việc ông Trịnh Ngọc Thanh, Giám đốc Ngân hàng  cho biết: “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay thông tin người dân phản ánh xem thời điểm đó ai là người đã rút trích lục đất của gia đình ông Dân ra ngoài, đồng thời cũng phải xác minh sau những lần đáo hạn, thì ông Dân có lấy ra hay không”.

Danh sách “ma”

Sau khi kiểm tra thông tin, phía ngân hàng xác nhận, thời điểm chuyển nhượng đất ông Dân đang vay ngân hàng. Tuy nhiên, tại thời điểm này khách hàng vay vốn không cần thế chấp Quyền sử dụng đất.

Và tại bản sao kê khế ước cho thấy ngày 9/9/2000, ông Dân vay ngân hàng với số tiền 2.500.000 đồng, ngày đáo hạn là ngày 9/9/2003. Tuy nhiên, ông Dân khẳng định mình không vay ngân hàng số tiền này.

Từ danh sách sao kê các hộ ở xã Xuân Du vay tiền mà Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp, phóng viên mở rộng điều tra thì phát hiện nhiều điều vô lý. Không riêng gì ông Dân, nhiều hộ khác có tên trong danh sách phản ánh mình không hề giao dịch với ngân hàng.

Trong bảng sao kê của ngân hàng, ông Đinh Văn Huê, công dân thôn 6, xã Xuân Du vay Ngân hàng và Phát triển nông thôn chi nhánh Như Thanh mức 3.500.000 đồng năm 2000. Tuy nhiên, ông Huê cho biết, năm 2000 ông chưa giao dịch với ngân hàng bao giờ. Chỉ có năm 2005, gia đình ông vay ngân hàng lần đầu tiên với số tiền là 5 triệu đồng.

Một chi tiết vô lý nữa là, tại bản sao kê khế ước của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có tên ông Đỗ Văn Hai ở thôn 6, xã Xuân Du nhưng trên địa bàn thôn 6 không có ai tên này, chỉ có  tên ông Đỗ Ngọc Hải. Nhưng ông Hải cũng khẳng định gia đình ông không vay ngân hàng năm 2000.

Đây là những uẩn khúc hết sức phi lý và khó hiểu mà phía ngân hàng cần phải trả lời rõ ràng minh bạch cho người dân.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

QUỲNH TRÂM

 

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.