Trong 9 tháng qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ban,ngành, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Hội đồng Quản trị (HĐQT), NHCSXH đã chủ động bám sát Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Nghị quyết của HĐQT NHCSXH. Theo đó, NHCSXH tập trung chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất-kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiếp tục khẳng định vai trò tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến 30/9/2024, tổng nguồn vốn chính sách đạt trên 375,7 nghìn tỷ đồng (tăng 29.286 tỷ đồng so với năm 2023), trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 48.527 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 357,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16.506 tỷ đồng (+5,6%) so với năm 2023, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ; trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 261,8 nghìn tỷ đồng (tăng gần 17 nghìn tỷ đồng so với năm 2023), hoàn thành 86,3% kế hoạch tăng trưởng được giao.
Bên cạnh đó, NHCSXH còn tích cực, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn tín dụng tập trung chủ yếu ở các chương trình cho vay đối với hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh vien (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn, hộ sản xuất-kinh doanh vùng khó khăn, phục vụ sinh kế, tạo việc làm và chính sách đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ,…
Doanh số cho vay hệ thống NHCSXH đạt trên 90.233 tỷ đồng, với hơn 1,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn chính sách được tập trung cho sản xuất-kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 538 nghìn lao động, giúp gần 7.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và gần 5,5 nghìn lượt người chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp gần 38,3 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 1.440 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 987 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 3,8 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách… góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đầu tư tín dụng ưu đãi các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đặc biệt, tháng 9 vừa qua, bão số 3 (Yagi) đã ảnh hưởng nặng nề, gây mưa lũ lớn trên diện rộng, hậu quả thiên tai nghiêm trọng cả về người, tài sản và kinh tế tại một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Ngay sau khi Chính phủ tổ chức hội nghị với các địa phương bị ảnh hưởng do bão Yagi, NHCSXH đã chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác và các đơn vị liên quan rà soát, thống kê thiệt hại của khách hàng vay vốn, để triển khai việc giải ngân các chương trình tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng;
Trong đó, ưu tiên vốn cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão, để cho vay, nhằm sớm khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất-kinh doanh, sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, chưa thu lãi đối với hộ vay bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và mưa lũ đến hết ngày 31/12/2024.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng yêu cầu toàn hệ thống cần chủ động, tích cực hơn nữa, tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư.
Chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền bổ sung ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH, để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tăng cường chuyển nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH, để cho vay đối với người dân bị thiệt hại do bão, lũ và mưa bão sau lũ, để sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Tổng Giám đốc cũng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Công an các địa phương thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị cho việc sơ kết một năm phối hợp.
Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh việc giải ngân các chương trình tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng; căn cứ số liệu rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng vay vốn tại NHCSXH, xây dựng nhu cầu cho khách hàng vay mới, để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tiếp tục phối hợp với các bên có liên quan kiểm tra, rà soát, thiết lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro, để trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
“Đi đôi với đó là phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tập trung thực hiện chuyển đổi số, triển khai các dự án trọng tâm, nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng toàn diện cho các khách hàng của NHCSXH”, Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đề nghị tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác truyền thông từ Trung ương đến cơ sở, nhằm nâng cao vai trò của tín dụng chính sách xã hội và hoạt động NHCSXH. Thực hiện sâu rộng các phong trào thi đua; đánh giá, khen thưởng, động viên, khích lệ cán bộ trong toàn hệ thống hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2024.