Virus độc hại
Bản rap Thích Ca Mâu Chí của rapper Chí (nhóm rap Nhà Làm), khiến dư luận dậy sóng khi xúc phạm, báng bổ Phật giáo. Cụ thể, tác giả đã dùng một sự tích về Đức Phật để chế lại theo nghĩa dung tục. Ngoài ra, ngay từ tựa đề, Chí đã ghép hẳn tên mình vào tên Đức Phật rất phản cảm. Ê-kíp này cũng dùng hình ảnh Đức Phật, nhưng ghép mặt của Chí, đeo xích vàng, đồng hồ để làm hình ảnh minh họa. Nhiều người dùng mạng xã hội (MXH) đã lên tiếng chỉ trích, phản đối bản rap này, đồng thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào cuộc.
Trước áp lực dư luận, rapper Chí đã lên tiếng xin lỗi, nhận hết trách nhiệm. Nam rapper cho biết, hiện đã xóa video trên kênh YouTube, nhưng hàng chục tài khoản vẫn chia sẻ lại sản phẩm trên mỗi ngày.
Ca từ tục tĩu, nội dung phản cảm của ca khúc Rap không chỉ đem lại hiệu ứng xấu, mà còn gieo vào đầu óc giới trẻ những quan niệm sống lệch lạc. Đây chỉ là một sản phẩm trong những núi “rác” văn hóa trên MXH, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận một sự thật đang tồn tại những núi “rác” trên các MXH.
Tương tự, bài hát “Mua cho con chiếc còng tay”, cũng đạt gần 1 triệu view trên mạng xã hội Tiktok, với những lời lẽ thô tục.
“Rác” mạng không phải là chuyện mới, nhưng chúng vẫn đang phát triển dưới nhiều hình thức, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ trong ngày một ngày hai.
Với sự bùng nổ công nghệ thông tin, MXH như hiện tại, hành vi người dùng, đặc biệt là người trẻ, ngày nay cũng đang thay đổi theo xu thế là thích xem những video ngắn (từ 3 - 5 phút). Đây cũng chính là đất diễn màu mỡ cho những kẻ vì tiền bất chấp câu like. Hàng nghìn video trên các MXH Facebook, Tiktok, Youtube… vẫn hoành hành lọt lưới kiểm duyệt của các MXH này.
Chúng xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như nhạc chế nhảm nhí; phim chiếu mạng bạo lực rẻ tiền; phim hài, clip nhạt nhẽo hở hang, nói tục để câu khách; thậm chí xúc phạm, xuyên tạc về văn hóa đồng bào DTTS… Điều đó đồng nghĩa, những nội dung độc hại trên vẫn ngày ngày vẫn tiếp cận công chúng.
Hệ lụy này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế hệ trẻ. Đặc biệt là những người chưa đủ tuổi trưởng thành, kỹ năng sống và kiến thức xã hội còn non nớt, thì việc tiếp cận thường xuyên với “rác” mạng sẽ làm ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống, thậm chí cả nhân cách các em. Đây cũng là vấn đề đau đầu, khi mặt trái của MXH đã len lỏi vào mọi gia đình.
Làm gì để dọn “rác” trên không gian số
Thực tế là thông tin mang tính giáo dục thường khiến người xem cảm thấy nhàm chán, giáo điều, không hấp dẫn bằng những nội dung được cho là độc, lạ. Cách thức của những thông tin “rác” này là, đưa vào những nội dung giật gân, phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, nội dung sai sự thật, hoặc dùng ngôn từ thiếu văn hóa, gây sốc để tạo sự tò mò, hiếu kỳ cho người xem. Những gì càng giật gân, càng lố lăng, nhảm nhí lại càng được người dùng mạng phát tán rộng rãi với tốc độ chóng mặt.
TS. Phạm Hải Chung, Viện Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Nếu nhìn tác hại về lâu dài, thì chắc chắn “rác” văn hóa trên MXH sẽ ảnh hưởng tới cả một thế hệ người dùng mạng. Chúng ta hành xử thế nào trên internet, thì nó cũng giống như ta hành xử ở nơi công cộng. Và nếu như thông tin này được phát tán rộng rãi, lâu dài, nó sẽ trở thành trào lưu tác động đến nhận thức của người dùng".
Không ai ngăn cản, cấm đoán sở thích, thị hiếu của người dùng MXH. Nhưng cư dân mạng cũng không nên thờ ơ, bàng quan với vấn nạn “rác” văn hóa đang hàng giờ, hàng ngày tiêm nhiễm độc hại vào tâm hồn, nhận thức của lớp trẻ nói riêng, của mỗi chúng ta nói chung.
Tháng 6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quy tắc ứng xử trên MXH. Bộ quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên MXH; giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH. Bên cạnh việc phải tuân thủ 4 quy tắc ứng xử chung: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh, an toàn, bảo mật thông tin và trách nhiệm, mỗi nhóm đối tượng tham gia, sử dụng MXH còn có một số quy tắc khác cần áp dụng.
Trên thực tế, thời gian qua nhiều trường hợp phát tán tin giả, hoặc những nội dung phản cảm, “rác” văn hóa bị “tuýt còi”, trong đó có nhiều người nổi tiếng. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế là, nếu chúng ta chỉ xử phạt, kể cả mang tính làm gương, thì sẽ không bao giờ chấm dứt những hiệu ứng tâm lý đám đông trên MXH, khi mà nguyên nhân sâu xa nhất chưa giải quyết rốt ráo. Mỗi người sử dụng MXH cần phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình trên không gian này.
Đặc biệt, làm cha mẹ thời đại 4.0, các bậc phụ huynh cần trang bị kỹ năng, kiến thức về sử dụng Youtube, MXH, các phần mềm internet để chủ động thanh lọc nội dung nhảm, xấu trong gia đình.
Nếu như người dùng mạng, gia đình, nhà trường đứng ngoài cuộc, thì dù cơ quan chức năng có mạnh tay, quyết liệt đến mấy cũng rất khó đạt hiệu quả. Do đó, chung tay làm sạch “rác” văn hóa trên MXH để tránh hệ lụy khôn lường tới đời sống hiện tại và thế hệ tương lai là trách nhiệm không của riêng ai.