Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Ngăn chặn hiệu quả nạn tảo hôn ở Kon Rẫy

PV - 10:54, 20/08/2019

Năm 2017, toàn huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum có 75 cặp tảo hôn, đến cuối năm 2018, con số giảm còn 19 cặp (giảm 56 cặp so với 2017). Năm 2019, huyện Kon Rẫy đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu giảm nhanh số cặp tảo hôn, tiến tới đẩy lùi tảo hôn ra khỏi địa bàn.

Triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025” theo Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án) từ năm 2016, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã tổ chức thực hiện Mô hình điểm “Nhân rộng giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS” tại 2 xã Đăk Tơ Lung, Đăk Pne, huyện Kon Rẫy.

Sau gần ba năm thực hiện, Mô hình điểm đã nhận được sự quan tâm, phối hợp của các sở, ngành. Nhờ đó, tỷ lệ tảo hôn đã giảm dần qua từng năm, trên địa bàn không còn hôn nhân cận huyết thống.

“…Bằng nhiều biện pháp, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, chúng tôi kỳ vọng, sẽ kéo giảm số cặp tảo hôn trên địa bàn huyện Kon Rẫy xuống còn dưới 10 cặp trong năm 2019, tiến tới xóa bỏ tảo hôn trên địa bàn”, bà Trần Thị Diệu Hằng, Trưởng phòng Tuyên truyền và Địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum chia sẻ.

Chị em phụ nữ xã Đăk Tơ Lung tham gia tập huấn Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025” (tháng 5/2019). Chị em phụ nữ xã Đăk Tơ Lung tham gia tập huấn Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025” (tháng 5/2019).

Cùng với việc tuyên truyền trực tiếp, liên tục để nâng cao nhận thức của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ có độ tuổi từ 13-16, Đề án đã cung cấp hàng trăm bộ tài liệu, sản phẩm tuyên truyền bằng tiếng Kinh và tiếng dân tộc về hôn nhân, gia đình trong cộng đồng, những hệ lụy, tác hại mà tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đem lại. Cùng đó là tổ chức các hội nghị tập huấn về Đề án.

Hiện nay, đã có 43 Tổ tư vấn được thành lập tại các thôn trên địa bàn thực hiện mô hình điểm. Thành phần Tổ tư vấn gồm, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, già làng, Người có uy tín, cán bộ y tế thôn, chi hội trưởng phụ nữ… trực tiếp làm công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở định kỳ hằng tháng trong các cuộc họp thôn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Thời gian qua, thành viên các tổ tư vấn trên địa bàn hai xã Đăk Tơ Lung, Đăk Pne phối hợp với cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, cán bộ huyện Kon Rẫy tổ chức tuyên truyền, vận động bằng các hình thức trực quan như: xây dựng pa nô, in 88 khẩu hiệu, 43 bảng tuyên truyền, gần 5.000 tờ gấp tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Phối hợp Đài PTTH tỉnh thực hiện các phóng sự bằng tiếng Kinh, tiếng Xơ-đăng về nội dung “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, phát trên sóng Truyền hình Kon Tum. Tổ chức 23 Hội nghị chuyên đề tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở, hỗ trợ nghiệp vụ 4 cuộc cho 4 tổ tư vấn, có sự tham gia của người dân (tổng số lượt gần 2.000 lượt người).

Với nhiều giải pháp, nhất là việc tuyên truyền thường xuyên, liên tục của thành viên các tổ tư vấn cấp thôn, nhận thức của đại bộ phận đồng bào DTTS trên địa bàn đã có sự thay đổi đáng kể. Tại Hội nghị tập huấn về Đề án được tổ chức tại hội trường xã Đăk Tơ Lung, chị Y Lan, thôn Kon Lỗ cho biết: “Tham gia Hội nghị, mình đã hiểu ra nhiều điều, nhất là tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mình sẽ mang kiến thức học được để phổ biến rộng rãi đến bà con trong thôn, với mong muốn năm 2019, thôn Kon Lỗ không còn trường hợp nào tảo hôn”.

MINH THU