Voọc chà vá chân xám là loài đặc hữu của Việt Nam và phân bố tập trung ở khu vực phía Nam của khu vực Trung Trường Sơn, thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai.
Do nạn săn bắn và môi trường sinh sống bị thu hẹp, số lượng quần thể loài này đã suy giảm nghiêm trọng. Từ năm 2017 đến nay, chính quyền địa phương và nhiều tổ chức, cá nhân đã có nhiều biện pháp bảo vệ, góp phần duy trì và gia tăng số lượng cá thể loài này. Hiện, cả nước có khoảng 1.500 đến 2.000 cá thể thuộc danh sách loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và là một trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang thực hiện Đề án bảo tồn voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây đến 2030 và tầm nhìn 2050. Theo Đề án, Quảng Nam đầu tư hơn 64 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 đến 2025 là 49,4 tỷ đồng và từ 2026 đến 2030 gần 15 tỷ đồng. Nhà nước thu hồi và đền bù khoảng 30 ha đất trồng keo của người dân trong vùng mở rộng sinh cảnh cho voọc; 90 ha trồng keo của người dân sẽ trở thành vùng đệm đồng quản lý giữa Nhà nước và cộng đồng với định hướng kết hợp bảo tồn gắn liền du lịch sinh thái để cải thiện sinh kế cho người dân.
Dưới đây là hình ảnh những con voọc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (Quảng Nam).