Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nêu gương sáng ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh: Chuyện về những người “mở đường” (Bài 1)

Mỹ Dung - Hà Linh - 17:48, 12/12/2024

Trong các giai đoạn phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc Quốc phòng-An ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” (Nghị quyết 06). Từ định hướng, chủ trương của Đảng, các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của các tầng lớp Nhân dân, vùng DTTS và miền núi Quảng Ninh đã có sự thay đổi rõ rệt. Trong hành trình vươn lên phát triển ở các bản làng, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng trên các lĩnh vực, trở thành hạt nhân điển hình lan tỏa về tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới tư duy trong vùng đồng bào.

Nghèo khó không ngăn được khát vọng làm giàu

Theo Quyết định 861/QĐ-TTG (ngày 4/6/2021) của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh có 56 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS. Nơi đây có nhiều tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa nhưng vẫn là "vùng trũng" của tỉnh. Nghị quyết 06 được ban hành, đã khơi dậy khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, giàu đẹp của bà con. Theo đó, từ các phong trào thi đua trong lao động sản xuất, học tập..., đã xuất hiện những mô hình, những hạt nhân tiêu biểu với tư duy mới, cách làm mới, thể hiện tình thần trách nhiệm với cộng đồng.

Xã Húc Động từng là một trong những địa phương khó khăn của huyện Bình Liêu. Trước kia, bà con đứng trước nhiều “nỗi sợ” và nhiều cái “không”: sợ hàng hóa làm ra không bán được, không có vốn, không có kiến thức,…

Ở đây cũng đã từng có những mô hình phát triển kinh tế, nhưng theo hình thức tự phát, đơn lẻ, nhà nào biết nhà nấy, chưa có sự liên kết. Song đến nay, đời sống người dân ngày một khấm khá, có của ăn, của để.

Một trong những người có nhiều đóng góp, tạo sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức sản xuất nơi này, là chàng thanh niên dân tộc Sán Chỉ Trần Văn Hoàng. Tốt nghiệp cấp 3, Hoàng lên học và làm việc tại Hà Nội. Cuối năm 2016, chàng thanh niên dân tộc Sán Chỉ này trở về địa phương với ước mong khởi nghiệp, làm giàu từ nghề làm miến dong truyền thống của gia đình.

Bắt tay thực hiện, việc tính toán sản xuất cũng không mấy thuận lợi. Ban đầu ngoài diện tích dong của gia đình, anh đã vận động thêm một vài hộ trồng diện tích lớn rồi thu hoạch mua lại. Thời gian đầu, anh chỉ sản xuất được khoảng 10-15 tấn, do vậy nguyên liệu thừa, năng lực sản xuất thì ít, không tiêu thụ hết được sản phẩm.

“Con đường làm miến dong cũng nhiều chông chênh lắm. Mới đầu tôi cứ nghĩ áp dụng máy móc vào mình làm là có người mua hết. Nhưng phải nghỉ một thời gian do không tìm được chỗ tiêu thụ, bà con bỏ trồng. Đến năm 2018, mình đã tự mày mò học cách quảng bá sản phẩm và tìm được thị trường tiêu thụ miến dong, nhưng khi quay lại sản xuất thì bà con không trồng nữa, mình phải ra sức vận động bà con, hứa bao tiêu sản phẩm bà con mới yên tâm trồng tiếp”, anh Hoàng chia sẻ.

Anh Trần Văn Hoàng (áo xanh than) Giám đốc HTX Nông, lâm nghiệp và dịch vụ Húc Động kiểm tra chất lượng cây dong riềng
Anh Trần Văn Hoàng (áo xanh than) Giám đốc HTX Nông, lâm nghiệp và dịch vụ Húc Động kiểm tra chất lượng cây dong riềng

Năm 2020 anh Hoàng chính thức bắt đầu ký hợp đồng bao tiêu, mua dong cho bà con. Khi sản xuất có đầu ra ồn định, anh đứng ra vận động và thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Húc Động. Hợp tác xã sẽ hỗ trợ vốn, phân bón, kỹ thuật, thu mua khi cho bà con thu hoạch. Theo đó, Hợp tác xã sản xuất theo mùa vụ từ đầu tháng 10 đến hết năm.

Với cách làm này, anh Hoàng đã góp phần phát triển nghề truyền thống sản xuất miến dong, vừa tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên Hợp tác xã và bà con gắn bó hơn với cây dong riềng. Hiện tại, Hợp tác xã giải quyết việc làm cho khoảng 25 lao động. Doanh thu mỗi năm đạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Đưa “lộc rừng” về vườn nhà

Từ một loại dược liệu quý đắt đỏ, chỉ có ở rừng tự nhiên, qua bàn tay anh Nịnh Văn Trắng, cây trà hoa vàng nay đã được nhân rộng ở nhiều vườn, đồi. Năm 2005, anh quyết định bỏ trồng keo, đổi ruộng, đổi bãi để lấy đất đồi trồng trà. Vượt qua muôn vàn khó khăn, giờ đây, Công ty Cổ phần Kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh, thôn Bắc Xa, xã Đạp Thanh (Ba Chẽ) do anh làm chủ trở thành đơn vị cung cấp cây giống duy nhất tại huyện Ba Chẽ.

Anh Nịnh Văn Trắng chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về hành trình đưa
Anh Nịnh Văn Trắng chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về hành trình đưa lộc rừng về vườn nhà

Ngày càng khẳng định hiệu quả kinh tế cao, trà hoa vàng trở thành cây dược liệu quý được chính quyền địa phương và người dân huyện Ba Chẽ quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Ngoài phát triển vùng trồng, nâng diện tích trồng, huyện Ba Chẽ đã rà soát các hộ trồng cây trà hoa vàng trên địa bàn và các vùng lân cận, thành lập hợp tác xã, ký hợp đồng với công ty lâm sản Đạp Thanh nhằm hỗ trợ kỹ thuật, giống, vật tư, đồng thời bao tiêu nguyên liệu, sản phẩm từ loại cây có giá trị kinh tế cao này.

Trà hoa vàng Ba Chẽ giờ đây đã trở thành sản phẩm được chứng nhận 5 sao, trong Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh. Không dừng lại ở đó, sản phẩm này cũng đang bước vững chắc, với một chiến lược cụ thể, để trở thành sản phẩm OCOP quốc gia.

Sẵn lòng hiến đất mở đường

Những rừng cây, nương ruộng - mỗi tấc đất đều gắn liền với cuộc sống của đồng bào Dao của xã Đồng Lâm (TP.Hạ Long). Quyết định bàn giao đất để giải phóng mặt bằng làm đường giao thông, là điều không hề dễ dàng đối với bất cứ gia đình nào. Gia đình anh Đặng Minh Ngân, thôn Đồng Quặng, là một trong những gương điển hình trong việc tiên phong bàn giao đất phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng thực hiện tuyến đường nối từ thôn Trại Me (xã Sơn Dương) lên thôn Đồng Trà (xã Đồng Lâm).

Anh Ngân kể, trước kia tổng diện tích đất của gia đình bao gồm đất ở, đất vườn và đất nông nghiệp khoảng hơn 2000m2. Thế nhưng, khi có thông báo về việc gia đình nằm trong danh sách bàn giao đất để giải phóng mặt bằng, gia đình đã bàn bạc và tình nguyện bàn giao 1700m2.

“Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này nên đã bàn giao đất phục vụ thi công tuyến đường. Đường rộng thì đời sống của người dân chúng tôi mới có thêm cơ hội phát triển ”, anh Ngân cho biết.

Người dân hiến đất phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng thực hiện tuyến đường nối từ thôn Trại Me (xã Sơn Dương) lên thôn Đồng Trà (xã Đồng Lâm)
Người dân hiến đất phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng thực hiện tuyến đường nối từ thôn Trại Me, xã Sơn Dương lên thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm

Cũng như gia đình anh Ngân, nhiều cá nhân điển hình tiên phong lan tỏa phong trào hiến đất mở đường. Nhờ đó, các công trình giao thông hoàn thành rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm về các xã vùng cao; thuận lợi giao thương giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế của các địa phương.

Từ vai trò nêu gương của tập thể đơn vị, cá nhân, đã lan tỏa tinh thần đoàn kết trong vùng đồng bào DTTS, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương. Thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã (56 xã vùng DTTS, miền núi, biên giới và 11 xã đảo) đạt 73,348 triệu đồng/người/năm (tăng 29,648 triệu đồng/người/năm so với năm 2020).

Tại các Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện năm 2024, đã có 172 cá nhân điển hình tiên tiến là người DTTS được Chủ tịch UBND huyện/thành phố tặng Giấy khen. Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh Ân Thị Thìn khẳng định, vai trò tiên phong của các cá nhân, tập thể điển hình đã lan tỏa thành phong trào thi đua yêu nước, thể hiện qua những con người thật, việc thật, với từng cách làm cụ thể, thiết thực trong phát triển kinh tế, xây dựng NTM, trong xây dựng đời sống văn hóa, văn minh...