Nắng nóng kỷ lục khiến Vương Quốc Anh và nhiều nước ở châu Âu phải ban bố tình trạng sức khỏe khẩn cấp. Các bản đồ thời tiết của châu Âu gần như đỏ rực, khi mức nhiệt được cho là “thiêu đốt” Tây Ban Nha và Italy, đồng thời gây ra cháy rừng ở Pháp. Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, Anh phải phát đi cảnh báo đỏ vì tình trạng nắng nóng.
Tại Tây Ban Nha, đám cháy bùng phát dữ dội trên một cánh đồng, thiêu rụi máy xúc gần thị trấn Tabara ở phía Bắc. Người lái xe phải bỏ chạy vì quần áo trên lưng anh ta bắt lửa và bị cháy. Một lính cứu hỏa 62 tuổi thiệt mạng sau khi mắc kẹt trong ngọn lửa, trong khi một người chăn cừu 69 tuổi cũng bị chết cháy.
Tại Bồ Đào Nha, khoảng 1.000 lính cứu hỏa đang chiến đấu với 10 vụ cháy rừng, chủ yếu ở các khu vực phía Bắc. EU đã gửi một máy bay cứu hỏa đến Slovenia vào cuối tuần qua.
Tại Pháp, thành phố Nantes có nhiệt độ 42 độ C, xô đổ kỷ lục cũ có từ năm 1949. Lực lượng cứu hỏa ở miền Tây Nam nước Pháp vẫn đang phải vật lộn để dập tắt hai đám cháy lớn gây tàn phá trên diện rộng. Hỏa hoạn thiêu rụi 14.800 ha ở khu vực Gironde. Các nhà khí tượng học đã đặt 15 trạm quan trắc trên cả nước trong tình trạng cảnh báo cao nhất do nhiệt độ cao.
Ngày 18/7 được xác lập là ngày nóng nhất trong năm ở Suffolk (Anh) với 38,1 độ C. Tuy nhiên, Văn phòng Khí tượng Anh (Met Office) cho biết nhiệt độ ở miền Nam nước Anh có thể lần đầu tiên vượt quá 40 độ C vào hôm nay (19/7). Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở Anh là 38,7 độ C, xảy ra vào ngày 25/7/2019.
Nắng nóng khiến một số trường học thông báo sẽ đóng cửa vào tuần tới. Một số công ty xe lửa của Anh ngừng hoạt động, căn cứ không quân Brize Norton và sân bay Luton cũng đình chỉ hoạt động bay sau khi đường băng bị biến dạng vì nắng nóng.
Đợt nắng nóng được dự báo đang di chuyển về phía Bắc. Dự báo đợt nắng nóng sẽ ập đến Bỉ và Đức vào những ngày tới.
Dự báo, Italia cũng sẽ hứng chịu nhiệt độ trên 40 độ C ở một số khu vực trong những ngày tới. Ngoài nắng nóng, nước này cũng đang chống chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm. Hai nhà máy thủy điện phải đóng cửa vì thiếu nước.
Ước tính số người tử vong vì nắng nóng kỷ lục ở châu Âu đã vượt ngưỡng 1.000 ca. "Đây không còn là mùa hè. Nó như địa ngục và sẽ sớm đặt dấu chấm hết cho sự sống của con người, nếu chúng ta tiếp tục không hành động vì khí hậu", Một nghị sĩ tại Pháp nhận định.
Tại Châu Á cũng không thoát khỏi tình cảnh này khi từ cuối tháng 6, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc bước vào đợt nắng nóng chưa từng có. Trung Quốc dự báo đợt nắng nóng đã kéo dài 30 ngày đang ảnh hưởng đến hơn 900 triệu dân, nó sẽ còn tiếp tục trong vài tuần tới. Ấn Độ cũng phải sống chung với thời tiết khắc nghiệt suốt hai tháng nay.
Bảo vệ bản thân trong thời tiết nắng nóng
Nắng nóng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người theo nhiều cách. Nó có thể gây ra tình trạng kiệt sức với các triệu chứng: chóng mặt, đau đầu, run, khát nước. Ở các trường hợp nghiêm trọng hơn, nạn nhân sẽ bị đột quỵ vì say nắng. Chẳng hạn như trong đợt nắng nóng ở châu Âu năm 2003 khiến hơn 20.000 người thiệt mạng, nhiều nạn nhân trong số đó là người lớn tuổi và sống một mình.
Nhóm người dễ bị tổn thương trước nắng nóng kỷ lục gồm trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người phải làm việc ngoài trời hoặc tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, người vô gia cư...
Các trường hợp có bệnh nền về hô hấp, tim mạch như tiểu đường, huyết áp cao... cũng dễ có nguy cơ gặp vấn đề nghiêm trọng do nhiệt độ tăng cao.
Một số cơ quan y tế công cộng ở châu Âu đã đưa khuyến cáo về việc giữ mát cơ thể trong những ngày nắng nóng kỷ lục như tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, giữ đủ nước.
Say nắng, đột quỵ vì nhiệt là trường hợp y tế khẩn cấp và cần được cấp cứu ngay lập tức. Do đó, nếu thấy người bị say nắng, chúng ta nên đưa họ ngay tới bóng râm, cởi bỏ bớt quần áo để thoát nhiệt và gọi cấp cứu càng sớm càng tốt.
Chúng ta nên chú ý tới triệu chứng khi say nắng, kiệt sức hoặc đột quỵ vì nhiệt như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, ngất xỉu, thở gấp, khát nước, khô miệng, khô môi, giảm đi tiểu, nước tiểu vàng sẫm bất thường, trẻ thay đổi hành vi (buồn ngủ hoặc nóng nảy).