“Hồi sinh” sau đại dịch
Có mặt tại bản Lác - một bản du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc Thái ở Mai Châu (Hòa Bình) vào những ngày cuối năm, chúng tôi chứng kiến hàng ngàn du khách đến thăm quan trải nghiệm, khám phá phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của bản vùng cao. Sau hai năm bị đóng cửa bởi đại dịch Covid-19, du lịch bản Lác đã “hồi sinh” trở lại.
Cơ sở Mai Châu farmstay của anh Đỗ Văn Linh có 12 phòng nghỉ và một nhà sàn cổ. Vào những ngày cuối tuần, anh Linh đã phải từ chối nhiều đoàn khách do hết phòng. Giá thuê 1 sàn 800.000 đồng/đêm cho 5 người; giá thuê phòng từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng/đêm. Ngoài ra, gia đình anh còn có nguồn thu từ dịch vụ ăn uống.
“Không chỉ cơ sở của tôi có khách mà du lịch cộng đồng của cả bản Lác đã tấp nập trở lại”, anh Đỗ Văn Linh phấn khởi cho biết.
Tương tự, xóm Hoài Khao xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, nằm nép mình dưới một thung lũng nhỏ, cách thị trấn Nguyên Bình khoảng 20km. Xóm có 34 hộ dân tộc Dao với bản sắc văn hóa đặc sắc được gìn giữ khá nguyên vẹn từ kiến trúc nhà ở làm bằng gỗ, lợp ngói âm dương, nghề chạm bạc tinh xảo, nghề dệt truyền thống, thêu váy áo, in hoa văn trên váy bằng sáp ong…
Với những tiềm năng sẵn có, vào tháng 4/2022, huyện Nguyên Bình xây dựng xóm Hoài Khao trở thành làng du lịch cộng đồng và chính thức đi vào hoạt động đón khách. Đến nay, số lượng khách du lịch đã tăng, hoạt động đón tiếp khách du lịch đã bắt đầu có hiệu quả.
Trưởng xóm Hoài Khao Lý Hữu Tăng cho biết: Từ khi xóm thành điểm du lịch cộng đồng, du khách đến đây trải nghiệm rất nhiều, giúp bà con phát triển kinh tế gia đình. Cuộc sống của đồng bào Dao đang thực sự thay đổi. Bây giờ có điện, có đường lớn, xóm khang trang, bà con ai cũng phấn khởi.
Nhân tố tạo đột phá
Vượt qua giai đoạn khó khăn, du lịch đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Năm 2023, ngành Du lịch có sự bùng nổ của lượng du khách trở lại thị trường Việt Nam, trong đó du lịch cộng đồng đã thu hút được được đông đảo du khách nội địa và quốc tế.
Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vốn có mà còn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào. Từ kinh doanh du lịch, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã cải thiện rõ rệt.
Theo thống kê, các điểm du lịch ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai có tốc độ xóa đói, giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn, bản không làm du lịch, nguồn thu của các hộ làm dịch vụ du lịch cũng cao gấp từ 5 lần so với các hộ khác, đạt từ 25 - 60 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ du lịch cộng đồng mà các ngành nghề thủ công (dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc, đồ lưu niệm…) được phát triển mạnh mẽ và tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân. Ước tính ở Lào Cai, các điểm du lịch cộng đồng đã giải quyết việc làm cho hơn 2.600 lao động. Trong năm 2023, du lịch Lào Cai đã cán mốc 7 triệu lượt khách đến thăm quan.
Chia sẻ về vấn đề này với báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho rằng: Trong năm qua, bên cạnh những điểm du lịch nổi bật là các sự kiện tiêu biểu kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa như: Lễ hội đền Bảo Hà (Bảo Yên); lễ hội mùa Hè “Sa Pa - Xứ sở của tình yêu”; sản phẩm du lịch: tái hiện chợ tình Sa Pa, Sa Pa - Thổ cẩm và hoa… cùng với các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa dân tộc… đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Dự báo xu hướng du lịch năm 2024 du khách hướng đến trải nghiệm, du lịch xanh. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch cộng đồng được xem là một trong những loại hình du lịch chủ đạo được khẳng định cần đẩy mạnh. Nếu có được sự quan tâm, đầu tư xứng đáng, du lịch cộng đồng sẽ là nhân tố tạo đột phá cho thành công của ngành Du lịch, hoàn thành mục tiêu đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 110 triệu lượt khách nội địa trong năm 2024.
Dự báo xu hướng du lịch năm 2024 du khách hướng đến trải nghiệm, du lịch xanh. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch cộng đồng được xem là một trong những loại hình du lịch chủ đạo được khẳng định cần đẩy mạnh.”