Nhiều mô hình hay,cách làm tốt
5 năm về trước, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk) là một “điểm nóng” về tình trạng vi phạm lâm luật, với hàng trăm vụ việc được phát hiện và xử lý mỗi năm. Gần đây, số vụ vi phạm lâm luật đã giảm gần nửa, tình hình an ninh trật tự tại địa bàn biên giới cơ bản ổn định. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực, chung tay của các biện pháp tuyên truyền, PBGDPL nâng cao nhận thức cho người dân.
Ông Đặng Phi Uyển, cán bộ Tư pháp xã Krông Na, huyện Buôn Đôn cho biết: Cùng với các biện pháp tuyên truyền, “Tủ sách pháp luật vùng biên” do Đồn Biên phòng (ĐBP) Sê Rê Pốk xây dựng, với hàng trăm đầu sách, đa dạng về nội dung, như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Quy chế biên giới… đã góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân trong xã, nhờ đó, tình hình an ninh trật tự tại địa bàn từng bước ổn định. Số vụ vi phạm lâm luật giảm gần nửa so với trước đây.
Cùng mô hình “Tủ sách pháp luật” của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã và đang được triển khai ở vùng đồng bào DTTS. Điển hình như mô hình “Cầu nối se duyên chống hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào Chứt” của BĐBP Hà Tĩnh đã giúp hàng chục cặp vợ chồng người dân tộc Chứt không kết hôn với người cùng huyết thống.
Hay ở Bắc Kạn, Hội Nông dân tỉnh duy trì hoạt động của 9 mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Nông dân với pháp luật”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh duy trì hoạt động của 259 CLB với gần 9.000 thành viên, gồm nhiều CLB, như: “Phụ nữ và pháp luật”, “Sinh kế và quyền của phụ nữ”, “Phụ nữ cùng chia sẻ”…
Nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác PBGDPL, nhiều địa bàn vẫn là “vùng trũng” về pháp luật. Một bộ phận dân cư “đói” kiến thức, thông tin pháp luật.
Để khắc phục những “vùng trũng” về pháp luật, cần tăng cường hơn nữa công tác PBGDPL; kết hợp giáo dục gia đình, giáo dục xã hội. Cần đổi mới công tác PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan chức năng, lực lượng tuyên truyền viên pháp luật cần chủ động tham gia, sử dụng không gian mạng xã hội, Internet để truyền thông sâu rộng”.
Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng PBGDPL, Bộ Tư pháp.
Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp cho biết: Để khắc phục những “vùng trũng” về pháp luật, cần tăng cường hơn nữa công tác PBGDPL; kết hợp giáo dục giữa gia đình và xã hội. Cần đổi mới công tác PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan chức năng, lực lượng tuyên truyền viên pháp luật cần chủ động tham gia, sử dụng không gian mạng xã hội, Internet để truyền thông sâu rộng.
Bên cạnh đó, tiếp tục khai thác triệt để thế mạnh của BĐBP với nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong PBGDPL tại khu vực biên giới; đẩy mạnh lồng ghép công tác PBGDPL với các hoạt động giao lưu văn hóa, từ đó chia sẻ thông tin, cách làm hay về công tác PBGDPL. Củng cố lại đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; phát huy tốt vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Xây dựng các bộ tài liệu phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của đồng bào các DTTS, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Đồng thời, có chính sách tạo việc làm, đào tạo nghề, giúp người dân nâng cao đời sống kinh tế, từ đó nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật.