Tham dự và đồng chủ trì Hội nghị có: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh và Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ - Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền.
Phát biểu mở đầu Hội nghị, ông Bùi Đức Hinh cho biết, cùng với xu thế mở cửa, hội nhập của đất nước, với tinh thần và khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh Hòa Bình ước đạt 3.366,5 tỷ đồng, bằng 58% so với Nghị quyết của Tỉnh ủy, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 62%; thu nhập bình quân đầu người đạt 77,59 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 34,8%. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Theo ông Bùi Đức Hinh, các hoạt động thông tin đối ngoại luôn bám sát định hướng chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời bám sát chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phản ánh các hoạt động ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế gắn với quảng bá hình ảnh đất nước và của địa phương; giới thiệu tiềm năng hợp tác và phát triển của tỉnh;
Đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch, góp phần tích cực trong thu hút đầu tư, vận động tài trợ, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn ổn định an ninh chính trị, an toàn xã hội của tỉnh và của đất nước trong tình hình mới. Ban Chỉ đạo thông tin đối ngoại tỉnh Hòa Bình đã biên soạn, phát hành 1.000 Cuốn Sổ tay công tác thông tin đối ngoại...
Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ đã trình bày các báo cáo, tham luận chuyên đề về việc triển khai nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với đặc thù của 14 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; những nội dung cốt lõi, trọng tâm trong Kết luận số 71-KL/TW ngày 16/2/2024 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được nghe các chuyên đề về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề quyền con người; thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; ứng xử của Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền tại các diễn đàn đa phương, định hướng công tác nhân quyền trong thời gian tới, nhấn mạnh trọng tâm công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền.
Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ khẳng định tầm quan trọng của việc chủ động tuyên truyền, thông tin đối nội, đối ngoại về những kết quả, thành tựu Việt Nam đã đạt được trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt qua lĩnh vực báo chí là cách tốt nhất để đấu tranh với các đối tượng lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá đất nước ta.
Kết luận Hội nghị, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, sau một năm triển khai Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTĐN trong tình hình mới. Vừa qua, tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương đã đánh giá cao Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố đã nghiêm túc quán triệt, nghiên cứu, cụ thể hoá, tham mưu ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ các nội dung của Kết luận, đặc biệt là 5 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm theo đúng phương châm “Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”. Đây là kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, thông qua các báo cáo và khuyến nghị, đề xuất của các tỉnh, thành phố, công tác thông tin đối ngoại nói chung và hoạt động của các Ban Chỉ đạo nói riêng còn một số hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới.
Việt Nam đang ở giai đoạn quan trọng chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng cùng với việc đảm nhiệm trọng trách trên bình diện quốc tế, đặc biệt là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2023 - 2025) và tái ứng cử nhiệm kỳ 2026 - 2028, thời cơ, thuận lợi đan xen mới những thách mới, trong đó sẽ có những luồng thông tin trái chiều, xuyên tạc tình hình trong nước.
Trong bối cảnh đó, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị lãnh đạo Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Kết luận số 57-KL/TW. Quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, bảo đảm và thúc đẩy nhân quyền, đẩy mạnh thông tin đối ngoại về tình hình nhân quyền Việt Nam nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước.
Đồng thời, rà soát, kiện toàn và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại từ Trung ương đến cơ sở; tiếp tục chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại. Chủ động tận dụng hiệu quả các điều kiện thuận lợi từ bối cảnh trong nước và quốc tế để tăng cường đổi mới tư duy và phương thức triển khai công tác thông tin đối ngoại.
Trong đó, 14 địa phương khu vực Trung du và miền núi phía Bắc cần tập trung thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ về bề dày lịch sử, di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các DTTS, về truyền thống cách mạng vẻ vang; được ví như là “cội nguồn dân tộc”; “cái nôi của cách mạng Việt Nam”, là “phên giậu” và “lá phổi” của Tổ quốc, là “cửa ngõ” phía Tây và phía Bắc của quốc gia; thông tin về những nỗ lực, thành tựu của các địa phương trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm, thúc đẩy các quyền con người nói chung và quyền bình đẳng của đồng bào DTTS.
Đổi mới phương thức, sáng tạo trong nội dung thông tin trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Huy động mọi nguồn lực trên cả 3 phương diện nhân lực, vật lực và tài lực, cả trong nước và nước ngoài để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ thông tin đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển vùng, phát triển đất nước mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.