Tại buổi Hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận tập trung vào phân tích thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động HTX và các tổ chức kinh tế tập thể. Trong đó phân tích những gì đã làm được, chưa làm được; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phân tích các cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng trong khu vực kinh tế tập thể, HTX thời gian tới…
Phát biểu tại Hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - khẳng định: Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương luôn quan tâm và ban hành, triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Đến nay, khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Các HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể. Số lượng HTX thành lập mới trong năm 2023 là 2.156 HTX, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ; hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Tính liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2022, doanh thu bình quân của các HTX đạt gần 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 35% so với năm 2021; lãi bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, tăng 71% so với năm 2021; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 56 triệu đồng/người/năm…
Cũng theo bà Cao Xuân Thu Vân, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho các HTX và khu vực kinh tế tập thể vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như: Đội ngũ cán bộ của nhiều HTX còn yếu, chưa được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quản lý kinh tế thị trường.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo tham luận chung về “Phát triển bền vững khu vực kinh tế tập thể - HTX và những vấn đề đặt ra đối với chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”; Chính sách của Nhà nước trong phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động trong phát triển nền kinh tế; vai trò của nguồn nhân lực trong phát triển HTX bền vững…
TS. Nguyễn Viết Cường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ - đánh giá, trong thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện trên cơ sở Nghị quyết số 13/NQ-TW. Cơ chế chính sách đào tạo, bồi dưỡng từng bước được hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực HTX. Đối tượng, nội dung, hình thức, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được mở rộng, phong phú và thiết thực…
Tuy nhiên, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể, HTX chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể chưa được quan tâm thực hiện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, độ tuổi của cán bộ quản lý HTX khá cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý HTX còn thấp;…
Theo TS. Nguyễn Viết Cường để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực kinh tế tập thể, HTX, đối với các cơ sở giáo dục nhà nước, cần đầu tư nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, chuẩn hóa chương trình, giáo trình đào tạo. Bên cạnh đó, cần mở rộng giới hạn về độ tuổi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhằm thu hút đối tượng cán bộ trẻ tham gia khu vực kinh tế tập thể, HTX…
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải có trọng tâm, trọng điểm, chuyên sâu, gắn với từng ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đặc thù của địa phương. Đặc biệt cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả sau đào tạo và khả năng áp dụng các kiến thức được học vào thực tiễn. Tăng cường hợp tác với các nước, đặc biệt là tổ chức HTX của các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam…