Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp: Nhìn từ các hội thi thiết bị đào tạo tự làm

Vân Khánh- CĐ - 06:07, 16/12/2021

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm, là sân chơi để giảng viên học sinh và sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát huy năng lực tự nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới phương pháp giảng – học. Những sản phẩm đã được trao giải của các hội thi cấp tỉnh, cấp quốc gia đã được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường nghề.

Nhiều sản phẩm dự thi Hội thi thiết bị đào tạo tự làm có tính ứng dụng cao, có khả năng thương mại hóa (Trong ảnh: “Mô hình sản xuất nước uống đóng chai tự động” của Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên Tháp Mười – Đồng Tháp tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI – năm 2019. Ảnh: Tổng cục GDNN)
Nhiều sản phẩm dự thi Hội thi thiết bị đào tạo tự làm có tính ứng dụng cao, có khả năng thương mại hóa (Trong ảnh: “Mô hình sản xuất nước uống đóng chai tự động” của Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên Tháp Mười – Đồng Tháp tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI – năm 2019. Ảnh: Tổng cục GDNN)

Nâng chất lượng dạy nghề

Một trong những yêu cầu cơ bản của đào tạo nghề, là phải tăng cường thực hành. Trong khi đó, hệ thống máy móc dùng trong đào tạo nghề khá đắt tiền và phần lớn là máy ngoại nhập. Vì vậy, tự sáng tạo thiết bị dạy nghề đã trở thành yêu cầu tất yếu của các trường nghề.

Năm học 2019 – 2020, Khoa Điện - Điện lạnh - Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai đã đưa vào vận hành hệ thống phân loại và vận chuyển sản phẩm tự động. Đây là sản phẩm do nhóm tác giả Lê Trọng Cơ, Lê Duy Khánh, Trịnh Nam Phong (Khoa Điện - Điện lạnh - Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai) nghiên cứu, chế tạo.

Theo nhóm tác giả, tổng kinh phí để hoàn thành mô hình là hơn 90 triệu đồng, chỉ bằng 1/3 các thiết bị cùng loại nếu đi mua. Mô hình này giúp sinh viên quan sát một cách trực quan, nhờ đó mà tiếp thu bài dễ hơn.

Nhờ mô hình, việc thực hành thao tác điều khiển máy giúp sinh viên nắm chắc kiến thức, không bị bỡ ngỡ khi đi vào thực tế sản xuất ở doanh nghiệp. Tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI – năm 2019 được tổ chức ở TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế), hệ thống phân loại và vận chuyển sản phẩm tự động đã được Ban Tổ chức trao giải Nhất.

Tương tự là mô hình “Điều khiển và giám sát tốc độ động cơ không đồng bộ 3 pha” của thầy Nguyễn Anh Hùng, giáo viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Tiền Giang. Nhận thấy sinh viên nhà trường đi thực tập tại các công ty ô tô chưa tiếp cận công nghệ và còn khá bỡ ngỡ nên thầy Hùng đã mày mò nghiên cứu, chế tạo ra mô hình này.

Với mô hình “Điều khiển và giám sát tốc độ động cơ không đồng bộ 3 pha”, sinh viên tiếp cận được với công nghệ mới tốt hơn, từ đó thực hành nghề thành thạo hơn. Thiết bị của thầy Hùng được Ban Giám khảo đánh giá cao và đạt giải Nhất tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Tiền Giang năm 2019.

Trên đây là hai trong vô số các sản phẩm công nghệ do các giáo viên, học viên của các cơ sở GDNN trên cả nước đã nghiên cứu, chế tạo thành công, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn dạy học. Nhiều thiết bị tự làm của các cơ sở GDNN đã được trao giải tại các Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh, cấp quốc gia. Không chỉ dừng lại ở các thành tích đạt được tại hội thi, các thiết bị đào tạo tự làm đã được phát huy trong dạy học, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Các thiết bị đào tạo tự làm góp phần nâng cao chất lượng dạy học tại các cơ sở GDNN. (Trong ảnh: “Mô hình thực tập đo lường và cảm biến” của Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vĩnh Phúc tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI – năm 2019. Ảnh: Tổng cục GDNN
Các thiết bị đào tạo tự làm góp phần nâng cao chất lượng dạy học tại các cơ sở GDNN. (Trong ảnh: “Mô hình thực tập đo lường và cảm biến” của Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vĩnh Phúc tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI – năm 2019. Ảnh: Tổng cục GDNN

Có khả năng thương mại hóa

Để tiếp tục phát huy năng lực tự nghiên cứu, sáng tạo của giáo viên, học viên tại các cơ sở GDNN, thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng – học trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19, Tổng cục GDNN đã lên kế hoạch tổ chức Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII – năm 2022. Từ tháng 8/2021, Tổng cục GDNN đã hướng dẫn các địa phương tổ chức Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh. Trong tháng 10, tháng 11 vừa qua, một số địa phương đã triển khai, lựa chọn được những sản phẩm để tham gia hội thi toàn quốc sắp tới.

Theo đánh giá của Tổng cục GDNN, mục đích của các hội thi thiết bị đào tạo tự làm là nhằm phát huy tính sáng tạo của giáo viên, học viên trong lĩnh vực GDNN. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đồng thời phục vụ nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề cao của các doanh nghiệp.

Không chỉ đáp ứng yêu cầu dạy và học tại các trường nghề mà nhiều sản phẩm được trao giải tại các hội thi còn được đánh giá là có khả năng thương mại hóa khá cao. Hầu hết các thiết bị dự thi đều sử dụng vật tư dễ tìm, kết hợp với sự sáng tạo của các thầy cô giáo trong việc ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Điều này đem đến tính khả thi cao trong việc nhân rộng kết quả tự làm thiết bị, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng của thiết bị.

Ngoài việc nâng cao tính sư phạm, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, các tác giả, nhóm tác giả dự thi quan tâm đến tính thẩm mỹ và kinh tế của thiết bị. Do vậy nhiều thiết bị dự thi có kết cấu, hình thức đẹp, giá thành rẻ hơn so với giá của những thiết bị có sẵn bán ngoài thị trường.

Đáng chú ý, nhiều thiết bị thể hiện xu hướng tích hợp các thiết bị, mô hình và xu hướng kết hợp sử dụng cho nhiều nghề trên một thiết bị. Nhiều thiết bị tham dự hội thi được đánh giá đạt tiêu chuẩn của một sản phẩm thương mại có thể sản xuất đại trà, bán ra thị trường.

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc được tổ chức 3 năm 1 lần. Tại Hội thi toàn quốc lần thứ VI – năm 2019, có 216 cơ sở GDNN tới từ 58 tỉnh, thành phố tham gia. Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 150 thiết bị đạt giải cá nhân và 9 giải tập thể. Hội thi toàn quốc lần thứ VII sẽ diễn ra vào năm 2022, tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.