Cùng tham dự Hội thảo có: Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh; Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ủy ban Dân tộc Hoàng Đức Thành; đại diện Cục An ninh nội địa - Bộ Công an; cùng hơn 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể; các già làng, Người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở, đến từ các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ.
Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông cho biết: Đối với đồng bào DTTS, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi mà điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Nhận thức về pháp luật của cán bộ, Nhân dân vùng đồng bào DTTS từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào cũng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
“Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật cần bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể. Kịp thời thông tin đầy đủ ngay từ khi soạn thảo các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật”, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông nhấn mạnh.
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 27 - 28/7, thông qua các tham luận tại Hội thảo sẽ giúp cho các đại biểu hiểu rõ hơn về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào DTTS, những khó khăn và hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Qua đó, các đại biểu chủ động áp dụng linh hoạt những kiến thức, kinh nghiệm để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với đồng bào DTTS tại địa phương mình, góp phần triển khai thực hiện tốt Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025.