Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Năm 2024, KT-XH nước ta tiếp tục phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực

Hoàng Quý - 11:41, 21/10/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cũng trong sáng 21/10, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu

9 tháng KH-XH đạt nhiều kết quả quan trọng

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột leo thang ở nhiều khu vực. Giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, thiếu vững chắc, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, ở trong nước, chúng ta vừa phản ứng linh hoạt, hiệu quả trước những biến động bên ngoài; vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, nhất là ứng phó, khắc phục thiên tai gây hậu quả nặng nề và còn kéo dài tại nhiều địa phương.

Triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, ưu tiên tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…), gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Rà soát, đánh giá tình hình và dự kiến kết quả phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025, từ đó có giải pháp đột phá theo tinh thần “chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả”.

Chính phủ cũng đã tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là về thể chế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Lập các Ban Chỉ đạo, Tổ công tác để kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc phát sinh. Phát động nhiều phong trào thi đua, trong đó có phong trào “500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc” và “cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025”.

Tạo động lực, truyền cảm hứng phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Quan tâm, triển khai tốt các chính sách phát triển văn hóa, xã hội. Chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở, sụt lún, khô hạn, ngập úng trên phạm vi cả nước, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cho phát triển.

Nhìn chung, tình hình KT-XH tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.

Về kinh tế, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% (trong bối cảnh tăng lương với mức cao từ 01/7/2024).

Đại biểu tham dự phiên họp
Đại biểu tham dự phiên họp

Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm.Thu NSNN 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi ước cả năm miễn, giảm, gia hạn gần 200 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỷ USD (tính đến 15/10/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 610,5 tỷ USD; xuất siêu 21,24 tỷ USD). An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm ; thị trường lao động phục hồi tích cực.

Về văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả rõ nét hơn về cả nhận thức, hành động và kết quả. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy; tổ chức tốt các ngày lễ lớn. An sinh xã hội được bảo đảm. Thực hiện tăng lương cơ sở và điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp để bảo đảm tăng lương nhưng không tăng giá. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tín dụng chính sách xã hội được đẩy mạnh.

Các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực; trong thời gian ngắn, đã huy động trên 6 nghìn tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chính phủ đã cấp trên 432 tấn gạo, hỗ trợ khẩn cấp 430 tỷ đồng cho địa phương và đang rà soát tổng thể thiệt hại để tiếp tục hỗ trợ; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động và tiếp nhận trên 2,15 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Trong những lúc khó khăn, gian nan, thử thách nhất, tinh thần đại đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” càng tỏa sáng mạnh mẽ.

Về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, Chính phủ đã cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước. Tăng cường kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phế liệu nhập khẩu. Huy động các nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung. Triển khai quyết liệt các chương trình hành động phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng.

Công tác phòng, chống thiên tai được tập trung chỉ đạo. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 đổ bộ vào nước ta, mạnh nhất trong 70 năm qua, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo theo sát tình hình, ứng phó từ sớm, từ xa với nhiều cách làm mới, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, phòng ngừa ở mức cao nhất, sẵn sàng phương án cho mọi tình huống; xử lý bản lĩnh, khoa học, hiệu quả các tình huống khẩn cấp về đê điều, hồ đập; qua đó đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Kịp thời động viên thăm hỏi; chỉ đạo khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu và các hoạt động kinh tế, xã hội, không để ai bị đói, bị rét, không có chỗ ở, học sinh sớm được đến trường, người bệnh được cứu chữa.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực. 

Đối với nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở chức năng, quyền hạn tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực. Trong đó, tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3; đẩy mạnh phòng, chống sạt lở, sụt lún, khô hạn, xâm nhập mặn...

 Chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ, trong đó bảo đảm không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở; các cháu học sinh phải được đến trường, người bệnh phải được cứu chữa; hỗ trợ con giống, cây giống, khôi phục và phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi chuỗi cung ứng và thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo công ăn việc làm, sinh kế ổn định cho Nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, chúng ta đang đứng trước thời điểm rất quan trọng để bứt phá thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2024, năm 2025 và cả giai đoạn 2021 - 2025. Phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng không khó khăn nào có thể cản được quyết tâm, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc.

 Mỗi thách thức là cơ hội để chúng ta trưởng thành, khẳng định sức mạnh và bản lĩnh của con người Việt Nam. Hãy thắp lên ngọn lửa quyết tâm mãnh liệt, cùng nhau tiến bước để xây dựng tương lai tươi sáng cho đất nước. Những nỗ lực không ngừng nghỉ hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng ngày mai, vì thế hệ tương lai như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đưa đất nước ta tự tin, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Tin cùng chuyên mục